Như Báo Thanh Niên đã đưa tin, sáng 16.4, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia đã tiếp nhận một thanh niên khuyết tật vừa đi bộ từ TP.HCM hơn 2.000 km, qua 23 tỉnh thành ra Hà Nội để đăng ký hiến tạng. Điều đặc biệt ở thanh niên này là anh có một nghị lực phi thường và một tâm hồn đầy nhân ái.
|
Vất vả mưu sinh
Anh Sang có tên thường gọi là Thiện Quy vì đã quyết định quy y cửa phật để làm việc thiện. Anh sinh ra và lớn lên ở Thái Bình, nhưng số phận không may mắn vì bị khuyết tật vận động và hở hàm ếch. Hai tay và chân anh Sang bị cứng khớp nên làm việc gì cũng khó khăn. Đặc biệt, việc hở hàm ếch khiến anh không nói được rõ lời.
“Mình đã từng được gia đình đưa lên Bệnh viện Việt Đức phẫu thuật vá hở hàm ếch 1 lần rồi, song gia đình làm nông nghiệp nên không có điều kiện cho mình đi vá lần thứ 2, nên đến năm 16 tuổi mình mới bắt đầu nói được. Tuổi thơ mình bị bệnh triền miên, nên chỉ học hết lớp 9”, anh Sang chia sẻ về tuổi thơ bất hạnh của mình.
Khó khăn ngày một chồng chất khi anh đến tuổi trưởng thành và phải lo kiếm sống cho bản thân. “Mình học hết lớp 9, rồi đi học những nghề yêu thích, nhưng khi đi làm toàn bị lợi dụng sức lao động và trả lương thấp, nên mình mới vào TP.HCM làm nghề bán vé số vào năm 2012”, anh Sang kể.
Anh Sang cũng cho biết gia đình mình có 2 anh em, người em trai làm nghề thủ công, bố mẹ anh do cuộc sống khó khăn đã phải di chuyển vào Vũng Tàu làm nghề nuôi heo. Anh Sang ở một mình tại TP.HCM, ngày ngày đi bán vé số kiếm tiền tự nuôi thân, mỗi ngày kiếm nhiều nhất được khoảng 200.000 đồng.
Cho hết người nghèo để làm việc thiện
Nói lý do việc chọn hành trình đi bộ để kêu gọi mọi người hoạt động thiện nguyện, anh Sang cho biết: “Mình tìm hiểu những lời răn dạy của nhà Phật và nghe giảng đạo nên đã tập tu tâm, tu đức. Cứ buông xuôi tất cả tu tâm, làm việc thiện là tu đức. Nhà chùa cũng chỉ cho mình cách suy nghĩ tích cực hơn”, anh Sang nói.
Khi bán vé số được đồng nào, anh lại cho hết người khó hơn mình đồng đó. Còn bản thân thì chỉ ăn chay, niệm phật. “Sao anh không gửi tiền đó về gia đình?”, tôi hỏi.
“Bố mẹ mình ủng hộ việc mình làm và bảo mình cứ làm gì mà thấy tâm an lạc”, anh Sang chia sẻ.
|
Anh Sang đã quyết định đi bộ xuyên Việt để kêu gọi mọi người làm việc thiện nguyện. “Mình tìm hiểu và đăng ký vào CLB Xuyên Việt và quyết định đi bộ để kêu gọi mọi người làm việc thiện nguyện và giúp đỡ người nghèo”, anh Sang kể, và cho biết bắt đầu hành trình đi bộ từ 5.7.2017 đến 16.4, 282 ngày qua 23 tỉnh thành, với đoạn đường hơn 2.000 km. Chuyến đi được khởi hành từ khu công nghiệp Tân Bình, TP.HCM và kết thúc tại chùa Đồng Yên Tử, Quảng Ninh.
“Lúc mình quyết định đi bộ cũng nhiều người ngăn cản, bảo mình khùng, đã khuyết tật thế thì ở nhà cho khỏe. Nhưng mình đi là để dưỡng tâm và kêu gọi mọi người hướng thiện, nên không biết mệt mỏi là gì”, anh Sang chia sẻ về hành trình trình đi bộ của mình. Để đi được chặng đường dài như vậy, anh cho biết, đã phải mang theo 1 cái máy sấy tóc để sấy nóng các khớp chân cho đỡ đau nhức".
Mỗi ngày Sang đi bộ được 30 km, có những hôm đi cả ngày cả đêm thì được 70 km. Xen kẽ là những chặng nghỉ vài ngày để đến gặp các tổ chức thiện nguyện tại địa phương và chia sẻ với họ cách làm và giúp đỡ người nghèo. "Mình đã gặp trên 10 nhóm thiện nguyện các tỉnh như: nhóm hiến máu cộng đồng ở Quy Nhơn (Bình Định); ở Quảng Nam thì có nhóm thiện nguyện giúp đồng bào bị bão lũ… Mình đã nói với họ về công việc thiện nguyện phải xuất phát từ cái tâm và cho đi là nhận lại. Mình cũng gặp những người khuyết tật và động viên họ vươn lên trong cuộc sống”, anh Sang kể.
Anh cũng cho biết chặng đường đi bộ không ít gian nan, có lần bị cướp ở Bình Thuận mất cả điện thoại, nhưng anh không lấy làm buồn vì luôn tìm cho mình mỗi ngày một niềm vui. “Nếu mình vui thì buồn cũng hóa vui, bất an cũng thành bình an. Giúp được mình, giúp được người và giúp cho xã hội là vui lắm rồi”, anh Sang nói.
Ngày 16.4, anh Sang đã từ Quảng Ninh về Hà Nội và tìm đến Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, để đăng ký hiến tạng cho y học. “Trước đây mình chưa biết đến hiến tạng là gì, nhưng từ tháng 10.2017, mình được anh Trần Nguyễn An Khương thuộc CLB Xuyên Việt đã đạp xe xuyên Việt để kêu gọi các hoạt động thiện nguyện và hiến tạng với một thông điệp “cho đi là còn mãi”, nên mình cũng muốn hiến tạng”, anh Sang chia sẻ về quyết định của mình.
Anh Sang cho biết, sau khi rời Hà Nội sẽ tiếp tục đi bộ hết 63 tỉnh, thành, để kêu gọi mọi người làm việc thiện với thông điệp: “Cho đi là nhận lại”.
Rất đáng ngưỡng mộ
Trao đổi với PV Thanh Niên, chị Nguyễn Thị Phượng Hoàng phụ trách truyền thông của Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia cho biết, trung tâm cũng nhận được nhiều đăng ký hiến tạng của những người khuyết tật. Riêng Sang là trường hợp đặc biệt hơn vì anh còn đi bộ để làm thiện nguyện. "Họ bị khuyết tật về cơ thể, trong cuộc đời họ có thể bị kỳ thị, gặp nhiều khó khăn, nhưng vẫn muốn trao tặng mô tạng của mình cho người khác, muốn làm được những điều tốt đẹp hơn cho đời. Đó là điều rất đáng ngưỡng mộ", chị Hoàng nói.
|
Bình luận (0)