Học nhảy Yosakoi

20/06/2010 09:52 GMT+7

(TNTS) Hằng tuần, cứ chiều thứ bảy và chủ nhật, hội múa Yosakoi TP.HCM lại họp mặt tại công viên Tao Đàn hoặc công viên 23.9. Minh Trí, thành viên gạo cội trong đội cho biết: “Điệu múa này xuất phát từ Nhật Bản. Khi múa mọi người sẽ cầm Naruko, quạt hoặc tay không nhảy trong điệu nhạc sôi động”.

Trong không khí náo nhiệt của nền nhạc, nhóm bạn trẻ đến từ các trường đại học khác nhau trên địa bàn TP.HCM, hai tay cầm Naruko (một nhạc cụ bằng gỗ, gồm một phiến gỗ chính có gắn các miếng gỗ nhỏ hơn) đang say mê tập luyện. Tiếng Naruko đập vào nhau nghe lách tách càng làm cho bầu không khí của điệu Yosakoi khác biệt so với các điệu nhảy khác. Nếu ở các điệu nhảy khác có người sẽ múa chính, có người chỉ làm nền thì ở loại hình múa này mọi người đều có cơ hội thể hiện bằng nhau và đóng vai trò quan trọng như nhau.

Hỏi ra mới biết tại hội múa Yosakoi này, chủ yếu  là những bạn trẻ đang học ngành Nhật học hoặc đam mê văn hóa Nhật. Hoàng Duy nói: “Tôi mê văn hóa Nhật. Ngoài tham gia múa Yosakoi tôi còn tham gia CLB xếp giấy Origami nữa. Khi tìm hiểu về nguồn gốc của điệu múa, về cách thức múa tôi càng hiểu thêm về con người và nền văn hóa nước bạn”. Yosakoi là loại hình nghệ thuật xuất phát từ thành phố Kochi, Nhật Bản và lan rộng khắp đất nước hoa anh đào vào năm 2005. Điệu múa này thực ra xuất phát từ việc dọa chim chóc tránh xa ruộng lúa bằng cách cầm Naruko đập theo các giai điệu khác nhau. Nhật Hạ nói: “Chỉ là cách đuổi chim thôi mà người dân Nhật Bản đã có thể sáng tạo thành một điệu nhảy rất sôi động. Không chỉ có vậy, khi tham gia điệu nhảy này, buộc người nhảy phải có nét mặt tươi vui. Qua đó thấy được người dân Nhật Bản yêu lao động và luôn làm việc trong trạng thái tươi vui”.

Thoáng nhìn qua, sẽ tưởng múa Yosakoi rất dễ, nhưng khi tham gia vào đội hình rồi mới thấy không phải cứ cầm Naruko là có thể biểu diễn được. Ví dụ, một đội hình 20 người cùng biểu diễn một động tác nên chỉ một người có động tác sai thì coi như vũ điệu đó thất bại. Theo Minh Trí thì để tập một bài múa Yosakoi phải mất từ 3 đến 4 tháng tùy theo mức độ tiếp thu của mỗi người trong đội hình. Thời gian làm quen với Naruko cũng kéo dài từ 2 tháng trở lại, vì đập Naruko không hề đơn giản. “Đập lên, đập xuống hay đập ngang sẽ cho ra âm thanh và theo vũ điệu tay khác nhau. Để tập được nhuần nhuyễn như bây giờ, tôi cũng mất gần hai tháng rưỡi”, Thanh Tuyền thổ lộ.

Nhóm Yosakoi của TP.HCM thường tham gia biểu diễn tại các lễ hội giao lưu Văn hóa Việt Nhật, các ngày lễ hội văn hóa tại các trường đại học.

Diễm Thư

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.