Học trò đi nài ngựa

23/11/2005 21:44 GMT+7

Cứ vào hai ngày cuối tuần, người dân Sài Gòn lại kéo nhau về Trường đua Phú Thọ để giải trí bằng những trò cá cược cầu may. Đằng sau hàng ngàn con người hò reo, thấp thỏm theo từng nước phi của vó ngựa trên mã trường là những giọt mồ hôi và nước mắt của những tay nài ngựa học trò...

Thuần ngựa chứng

Từ trong vòng quần (nơi mà nài dắt ngựa đi vòng tròn để khách xem giò cẳng), một loạt cậu nhóc trong những bộ đồng phục nhiều màu, mặt dính đầy cát, mồ hôi nhễ nhại tiến về nhà nài. Trước nhà nài là cụ bà mà người ta thường gọi là má chín vội vã lấy mấy chiếc khăn mặt ra lau cho các chuyên gia nài tí hon. Tuần nào cũng vậy, cứ vào chiều thứ bảy, chủ nhật là cụ bà 80 tuổi này lại theo chân mấy đứa cháu đến trường đua để làm "săn sóc viên". "Ngoại có 4 đứa cháu đều làm nài hết, Phát 1, Vũ 2, Phát 3 rồi Phát 4. Mấy đứa mồ côi cha từ nhỏ, còn mẹ thì về quê sống, tụi nó phải vừa đi học vừa làm nài ngựa kiếm tiền nuôi cả nhà, ngoại già cả rồi chỉ biết theo cháu săn sóc để động viên. Nhưng mà chú hỏi tụi nó cũng mất công thôi, dân nài kỵ nhà báo lắm!" - má chín nói.


"Nài ngựa hái ra tiền nhưng bạc lắm anh ơi!" - ảnh: T.Q

Quả thật, để săn được thông tin từ nài không phải dễ vì những chuyên gia thuần ngựa chứng này rất kỵ chụp hình hay đưa tên lên báo vì sợ sự cố ngã ngựa khi xung trận (?!). Thế nhưng má chín cũng giới thiệu tôi với Phát 3, một tay nài trứ danh của trường đua và... có "thâm niên" trong việc tiếp phóng viên. Phát chào khách lạ bằng nụ cười hồn nhiên: "Chú em lúc trước cũng nuôi ngựa, nên em thích nghề này từ nhỏ rồi. em học tới lớp 5 thì ba em mất, mẹ về quê, ngoại thì già cả nên em phải nghỉ học đi nài kiếm tiền, nuôi mấy đứa em ăn học". Phát 3 năm nay đã bước qua tuổi 16, "chinh chiến" trên lưng ngựa suốt 4 năm nay. Với thành tích vài trăm trận về nhất, chuyên gia thuần ngựa dạn dày kinh nghiệm trận mạc này trở thành một người hùng trong mắt của giới nài và người xem. Theo lời cậu học trò 3 năm liền được bình chọn là "tay nài xuất sắc nhất" thì để được tung hoành trên đường đua bất cứ tay nài nào cũng phải "lên bờ xuống ruộng" với ngựa suốt nhiều tháng liền. Không kể nắng mưa, ngày nào cũng phải ra sân đất quần thảo với ngựa cả mấy tiếng đồng hồ. Trước khi ngồi được trên lưng thiên mã thứ thiệt, học viên phải làm động tác nhún nhảy, đánh roi, giật cương trên yên ngựa giả. Nhiều tay nài tí hon đứng chưa tới lưng ngựa phải vất vả lắm mới sai khiến tuấn mã oai vệ đi đúng quỹ đạo đường đua. Lắm lúc cánh nài bị ngựa chứng lồng lên loạn xạ, rồi đâm sầm vào thành rào sắt bảo vệ đau suốt mấy ngày trời; còn bị ngựa hất ngã sóng xoài xuống đất là "chuyện thường ngày ở huyện". Phát 3 cũng đã từng bị ngã ngựa gãy xương vai nằm dưỡng thương đến gần 2 tháng ròng. "Nằm một chỗ em thấy nhớ ngựa, nhớ đường đua dữ lắm, nằm mơ cũng thấy mình đang đua. Bị gãy tay đau vậy chứ em không ngán mà lại đua càng hăng" - Phát 3 tỏ ra gan lì.

"Nhiều tiền nhưng bạc lắm anh ơi!"


Một tay nài nhí đang lãnh tiền sau trận đua - ảnh: T.Q

"Em năm nay học lớp 5, vừa học vừa đi nài kiếm tiền đóng tiền học cho hai anh em, rồi phụ giúp gia đình. Rảnh lúc nào em cũng phải tranh thủ học để theo kịp bạn bè vì em còn phải luyện tập nâng tay nài, không có nhiều thời gian để học như bạn" - tay nài tí hon tên Lương nói vài câu rồi lẩn đi vì sợ phóng viên... chụp hình! Mỗi khi đi nài, bé Trang cùng mẹ lúc nào cũng tay khăn, tay nước phục vụ "tận răng" cho anh trai Lương sau mỗi đợt đua. "Ảnh đi nài nuôi cả nhà em đó anh, mỗi tuần ảnh kiếm được nhiều tiền lắm, có khi vài trăm ngàn, có khi cả triệu. Nhưng nhìn ảnh cực nhọc thấy thương lắm, phải chi em là con trai, em cũng sẽ đi nài như ảnh để phụ gia đình" - bé Trang bộc bạch. Hầu hết học trò mưu sinh trên lưng ngựa đều là nguồn sống cả nhà nên mỗi khi bị bệnh là người thân lo sốt vó, cứ cảm nhẹ là phải lo uống thuốc hoặc cẩn thận hơn thì đi bác sĩ ngay. Những "minh tinh trên lưng ngựa" nếu muốn gắn với đường đua lâu dài thì luôn phải thực hiện "hai giảm": "giảm ăn, bớt ngủ" để khỏi lên cân. "Lắm lúc em bị người ta chèo kéo cả chục triệu đồng để em thua nhưng em thẳng thừng từ chối, nếu nhận lời thì mình chỉ đua một lần đó rồi từ giã đường đua luôn vì mất uy tín" - Vũ 2, em của Phát 3 kể. Nếu về nhất nhiều, mỗi ngày một tay nài có thể kiếm được 7, 8 triệu là chuyện thường. Nhiều em đã kiếm được hàng trăm triệu sau một thời làm mưa làm gió trên mã trường. "Nghề này bạc lắm anh ơi, lúc mình cưỡi giỏi thì người ta tâng mình lên tận mây xanh, còn lúc dở thì chửi mình thậm tệ. Với lại dân nài như tụi em cao tay lắm chỉ làm được vài năm rồi thôi vì lớn tuổi, quá cân ai đâu mà thuê mình nài nữa. Lớn lên em cũng chưa biết làm gì nữa, chắc phải nuôi ngựa đua quá" - Phát 3 trầm ngâm rồi im bặt nhìn xa xăm.

Phóng sự của Trí Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.