Những bộ phim ngắn này nằm trong dự án cộng đồng “Lăng kính về quyền người khuyết tật” do Hội Người khuyết tật Hà Nội phối hợp cùng Đại sứ quán Mỹ thực hiện.
Sau 6 tháng vừa học vừa thực hành, những học viên của dự án đã có thể tự làm những bộ phim ngắn không những kể về cuộc đời của mình, của những người kém may mắn như mình nói chung mà còn truyền cảm hứng, niềm tin và ý chí vươn lên trong cuộc sống cho chính những người lành lặn.
Nếu phim ngắn Kẻ dại khờ hài hước khắc họa tình yêu của 2 bạn câm - điếc khi tán tỉnh nhau thì Khi bạn tin bạn có thể, Vọng ngày xanh và Anh nông dân lưng gù đã thuật lại hành trình chạm đến ước mơ của những người kém may mắn.
Vọng ngày xanh là câu chuyện về anh chàng bị liệt 2 chân nhưng nuôi ước mơ trở thành MC từ nhỏ. Lớn lên, anh quyết tâm thực hiện ước mơ của mình, nhưng sau khi trúng tuyển làm MC thì anh lại nhận những lời đàm tiếu của bạn bè như “hết người rồi hay sao mà người ta tuyển ông”. Tuy nhiên, anh vẫn vượt qua mặc cảm và nỗ lực hết mình để giờ đây trở thành MC truyền hình được nhiều người yêu mến.
Lê Hương Giang, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội, bị khiếm thị và cô mong muốn làm một bộ phim về niềm tin trong cuộc sống. Bởi lẽ với Giang: “Chỉ khi có niềm tin, người khuyết tật mới có thể vượt qua trở ngại tâm lý, chủ động hòa nhập với cộng đồng và dám thực hiện ước mơ của mình”.
Chính vì thế, Giang cùng nhóm bạn đã thực hiện bộ phim ngắn Khi bạn tin bạn có thể. Nội dung phim được chuyển thể từ câu chuyện có thật của Đặng Thùy Linh, sinh viên Trường ĐH Luật Hà Nội, thành viên trong nhóm. Linh có thân người nhỏ bé, bị mất một tay và đôi chân rất yếu, chính vì thế Linh mặc cảm và khép mình. Đó cũng là câu chuyện chung của nhiều bạn khuyết tật khác khi chưa có cơ hội hòa nhập với cộng đồng hoặc do chính bản thân mình chưa mở lòng để bước về phía mọi người.
“Qua bộ phim, nhóm muốn nhắn gửi mọi người không bi thương hóa hay anh hùng hóa hình ảnh của người khuyết tật. Trong phim, tuy ở các dạng tật khác nhau nhưng họ vẫn có thể là bạn của nhau, tìm đủ mọi cách để trò chuyện với nhau. Vậy tại sao người bình thường lại không thể bước đến làm bạn với người khuyết tật? Nhóm đã kể câu chuyện về cuộc sống đời thường vui tươi của các bạn thuộc nhiều dạng tật khác nhau; cách họ sinh hoạt, làm việc để qua đó cộng đồng hiểu rằng người khuyết tật cũng có những tài năng, khả năng làm những công việc bình thường, chỉ là họ đang thiếu một cơ hội”, Giang tâm sự.
Để làm được những thước phim ngắn lay động lòng người như thế, những nhà làm phim khuyết tật đã vượt qua rất nhiều trở ngại. Họ cùng bổ trợ nhau để có thể kể được câu chuyện của đời mình.
Giang kể: “Nhóm làm phim có những thành viên ở nhiều dạng tật khác nhau nên trong quá trình thực hiện, việc trao đổi cùng nhau là trở ngại đầu tiên. Như mình là người khiếm thị còn Hưng là người khiếm thính thì tụi mình sẽ nói chuyện với nhau thông qua tin nhắn điện thoại, vì điện thoại thông minh có phần mềm đọc màn hình cho người khiếm thị”.
Cũng theo Giang, đa phần thành viên trong nhóm là người khuyết tật vận động nên tay chân khá yếu. Vì thế Giang sẽ là người vác máy móc, thiết bị. Khi quay, Giang cầm máy căn theo giọng nói của nhân vật, muốn chuẩn hơn thì nhờ thành viên khác nhìn giúp. Không những thế, có nhóm có bạn chỉ còn tay trái, trong khi các phím bấm của máy được thiết kế cho người dùng tay phải. Bạn nam này đã nghĩ ra cách lật ngược máy quay lại rồi lấy một cái đai buộc máy vào người cho khỏi bị rơi trong quá trình di chuyển.
Bình luận (0)