Kẻ lang thang ‘chinh phục’ thiên tài Edison: Bí quyết thành công nằm ở câu chuyện này

31/07/2019 09:30 GMT+7

'Tôi đã cho Barnes một cơ hội theo lời đề nghị của anh, bởi tôi biết rằng người như Barnes sẽ không bao giờ bỏ cuộc cho đến khi thành công...', Thomas Edison kể lại.

Napoleon Hill - tác giả cuốn sách Nghĩ giàu, làm giàu cho rằng sự thành đạt và giàu có không nằm ngoài tầm tay của bạn. Bạn vẫn có thể trở thành người bạn hằng mong muốn cho dù bạn là ai đi nữa. Tiền bạc, danh tiếng, hạnh phúc và sự thừa nhận của những người xung quanh đều là những điều có thể đạt được nếu như bạn thật sự sẵn sàng và quyết tâm đạt được những điều đó.
Câu chuyện Edwin C. Barnes - trợ lý kinh doanh của nhà phát minh thiên tài Thomas Edison là minh chứng điển hình cho nhận định trên.
Edwin C. Barnes đã khám phá ra một chân lý giản đơn: con người có thể trở nên giàu có bằng tư tưởng. Phát hiện của ông không đến trong một sớm một chiều mà hình thành dần dần, bắt nguồn từ ước muốn trở thành người hợp tác kinh doanh với nhà phát minh lỗi lạc Thomas Edison.

Nhà phát minh và "Kẻ lang thang"

Một trong những điểm quan trọng trong khát vọng của Barnes là nó được xác định rất rõ ràng. Ông muốn cộng tác chứ không làm công cho Edison.
Khi ý nghĩ này lần đầu tiên lóe lên, Barnes vẫn chưa có đủ điều kiện để thực hiện nó. Ông gặp phải hai trở ngại. Thứ nhất, ông không quen biết Edison; thứ hai, ông không đủ tiền mua vé xe lửa đi West Orange, New Jersey - nơi đặt phòng thí nghiệm nổi tiếng của nhà bác học Edison.
Bấy nhiêu khó khăn đó cũng đủ làm nản lòng đa số người bình thường tiếp tục thực hiện khát vọng của họ. Nhưng khát vọng của Barnes không tầm thường. Khát vọng ấy mãnh liệt đến mức giúp Barnes vượt qua tất cả để trở thành người cộng tác của Edison.
Edwin C. Barnes xuất hiện trước phòng thí nghiệm của Edison và nói với nhà phát minh rằng anh đến với ước muốn được cộng tác kinh doanh với ông. Nhiều năm sau, Edison kể lại cuộc gặp gỡ đầu tiên đó: "Anh ta đứng ngay trước mặt tôi, trông như mọi kẻ lang thang khác, nhưng nét mặt anh làm tôi có ấn tượng rằng người thanh niên này sẵn sàng và quyết tâm thực hiện bằng được những gì anh ta theo đuổi. Tôi đã cho Barnes một cơ hội theo lời đề nghị của anh, bởi tôi biết rằng người như Barnes sẽ không bao giờ bỏ cuộc cho đến khi thành công. Những gì diễn ra sau đó đã chứng minh rằng tôi đúng".
Điều gì đã khiến Barnes có được một vị trí trong văn phòng của Edison? Nguyên nhân sâu xa là anh có một ý chí mãnh liệt muốn được cộng tác với Edison. Ý muốn mạnh mẽ ấy toát ra bên ngoài, tạo nên một sức hút buộc nhà phát minh phải chú ý đến chàng trai trẻ tuổi.
Barnes không được Edison chấp nhận cộng tác ngay từ đầu. Anh chỉ nhận được cơ hội làm việc trong văn phòng của Edison với một khoản tiền lương rất khiêm tốn.
Nhiều tháng trôi qua. Không có gì tiến triển để giúp Barnes tiến gần hơn tới mục tiêu lớn mà anh cam kết theo đuổi. Nhưng một điều quan trọng là anh vẫn không ngừng nuôi dưỡng và làm sôi sục thêm khao khát trở thành người cộng tác kinh doanh với Edison.
Các nhà tâm lý học đã rất đúng khi cho rằng: "Khi một người thực sự muốn làm điều gì thì vẻ ngoài của họ sẽ thể hiện ra điều đó". Barnes sẵn sàng cộng tác kinh doanh với Edison và anh luôn đặt mình ở tư thế sẵn sàng cho đến khi anh đạt được điều mong muốn.

Cơ hội ẩn nấp trong rủi ro, thất bại

Có lẽ vào thời điểm đó, chàng trai trẻ tuổi Barnes chưa hiểu được điều này, nhưng quyết tâm sắt đá và sự kiên định theo đuổi một ước mơ duy nhất đã gạt bỏ mọi chướng ngại, đồng thời đem đến cho Barnes cơ hội mà anh đang tìm kiếm.
Tuy nhiên, cơ hội lại xuất hiện dưới một hình thức khác và từ một hướng khác so với dự kiến của Barnes. Cơ hội thường có thói quen "ma mãnh" là "lẻn" vào theo cửa sau và được ngụy trang dưới hình thức một điều bất hạnh hay một thất bại tạm thời.
Edison vừa hoàn thiện được một thiết bị văn phòng mới, lúc bấy giờ được gọi là Máy đọc Edison. Những người bán hàng của ông không tha thiết gì với chiếc máy này vì họ cho rằng việc tiêu thụ sẽ rất khó khăn. Nhưng Barnes đã nhìn thấy cơ hội của mình.
Barnes biết rằng anh có thể bán được Máy đọc Edison và anh nói với Edison điều đó. Edison quyết định trao cơ hội này cho Barnes. Và thực tế, Barnes đã thành công. Anh bán chiếc máy chạy đến mức Edison đã ký một hợp đồng cho phép anh phân phối loại máy này trên toàn quốc.
Nhờ cách hợp tác kinh doanh đó, Barnes đã trở nên giàu có, nhưng anh còn làm được một việc có ý nghĩa lớn hơn thế rất nhiều. Anh đã chứng minh rằng mọi người đều có thể trở nên giàu có nhờ cách nghĩ.
Barnes khởi đầu từ con số 0. Tài sản duy nhất anh có được là sự nhận thức rõ ràng bản thân mình muốn gì và quyết tâm theo uổi ước muốn ấy cho đến khi thành công. Nhưng chính "khối" tài sản tinh thần vô giá đó lại là thứ quan trọng nhất giúp anh đạt được những ước muốn trong cuộc đời mình.

Anh phải thành công hay là chết?

Khát vọng của Barnes không chỉ là một niềm hi vọng. Đó là nỗi khát khao sôi sục chảy trong huyết quản của anh. Nỗi khát khao rõ ràng và kiên định ấy mạnh hơn bất kỳ điều gì khác.
Barnes thành công vì anh đã lựa chọn cho cuộc đời mình một mục tiêu rõ ràng, dành hết năng lượng, sức mạnh ý chí, nỗ lực cá nhân và tất cả những gì anh có để đạt bằng được mục tiêu đó.
Trong quãng thời gian 5 năm trước khi cơ hội mà Barnes tìm kiếm xuất hiện với mọi người, anh chỉ như một bánh răng nhỏ trong guồng máy kinh doanh của Edison. Nhưng trong thâm tâm Barnes, anh luôn là đối tác của Edison và cách nghĩ ấy nung nấu từng giây từng phút ngay từ ngày đầu tiên anh làm việc ở văn phòng của Edison.
Đó là một ví dụ điển hình minh họa cho sức mạnh của một khát vọng mãnh liệt. Anh đã vạch ra một kế hoạch nhằm đạt được mục đích đó và không bao giờ lùi bước. Anh kiên định giữ vững niềm khát khao của mình cho đến khi nó trở thành một nỗi ám ảnh và cuối cùng biến thành sự thật.
Anh không nói rằng: "Trong trường hợp thất bại, mình sẽ tìm kiếm một cơ hội khác", mà anh nói: "Chỉ có một điều trên thế gian này mà mình quyết tâm phải đạt cho bằng được, đó là được cộng tác kinh doanh với Edison. Mình sẽ thiêu rụi tất cả những cây cầu sau lưng và đánh cuộc toàn bộ tương lai vào khả năng của bản thân để đạt được những gì mình muốn".
Anh không để lại cho mình một con đường để rút lui. Anh phải thành công, hoặc là chết!
Đó chính là lý do giải thích cho câu chuyện thành công của Barnes.
* Nội dung bài viết được rút từ cuốn sách Nghĩ giàu, làm giàu của tác giả Napoleon Hill xuất bản năm 1937. Đây là 1 trong 5 cuốn sách quý nền tảng đổi đời được Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ tự tay tuyển chọn, viết thư ngỏ, với mong mỏi sách sẽ đến tay tất cả các bạn trẻ và nhân dân cả nước, để thay đổi nhận thức, thôi thúc khát vọng vươn lên làm giàu, cùng xây dựng đất nước hùng cường.
Ý chí vĩ đại tạo nên dân tộc vĩ đại!
KHI CÙNG NHAU, KHÔNG GÌ LÀ KHÔNG THỂ!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.