Bước đi này của Pháp gián tiếp công nhận rằng Pháp đã thất bại trong việc đảm nhận vai trò trung gian hòa giải, thất bại nên tức giận và vì không thể đổ lỗi cho phe chính phủ Li-băng vốn thân phương Tây nên trút hết sang phe đối lập thân Syria và Iran. Người ta chỉ nghe thấy ông Sarkozy "đông cứng" quan hệ ngoại giao của Pháp với Syria, chứ không thấy đả động gì tới Iran. Cùng một biện pháp ngoại giao, nhưng hăng hái đối với nước này và rụt rè đối với nước khác đều có lý do của nó.
Trong số các nước phương Tây thì Pháp có quan hệ truyền thống với Li-băng nhưng không được như vậy với Syria. Trong khi ảnh hưởng của Pháp ở Li-băng ngày càng giảm thì quan hệ của Syria với nhiều nước khác trong và ngoài khu vực, trong đó có cả Mỹ, lại ngày càng được cải thiện. Trong vấn đề hạt nhân của Iran, đến cả Mỹ và EU cũng còn trầy trật chứ đâu có chỗ để dành cho Pháp thể hiện vai trò, hơn nữa lại quá sức đối với Pháp. Vì thế mới có chuyện Pháp hăng hái tự đảm nhận vai trò trung gian ở Li-băng. Cứ xem cung cách ông Sarkozy thúc đẩy quan hệ với Libya cũng đủ thấy cách tiếp cận thực dụng của Pháp trong chính sách đối ngoại. Nếu thành công thì Pháp sẽ có phần ở cả Li-băng lẫn Syria. Chỉ có điều Syria không bập vào vì nếu có ai đó để Syria thỏa hiệp thì chỉ có thể là Mỹ và EU, chứ đâu đến lượt Pháp, nhất là khi quan hệ với Pháp đâu phải có ý nghĩa quan trọng sống còn đối với Syria. Pháp có tính toán lợi ích thì chắc chắn Syria cũng vậy chứ.
Thảo Nguyên
Bình luận (0)