Đội này cũng được đặt biệt danh "4 trong 1" bởi quản lý hơn 150 km đường dây mà phần lớn các vị trí cột đều nằm ở 4 con đèo nguy hiểm (Hải Vân, Phú Gia, Phước Tượng, Mũi Né). Công nhân Hoàng Xuân Sỹ - được giao "chăm sóc" đường dây nằm ở đèo Hải Vân dài hơn 14 km - kể: "Mỗi ngày phải đi mất 4 tiếng đồng hồ, toàn lội suối, băng rừng mới đến nơi để phát dọn hành lang tuyến, ngăn chặn các hiện tượng đốt nương rẫy, vét mương, đắp đất móng, kiểm tra hệ thống tiếp địa, sơn sửa...".
Phạm Thanh Nam, 29 tuổi, quê Đồng Hới, Quảng Bình phụ trách tuyến trên đèo Phú Gia nói: "Do địa hình bị chia cắt nhiều nên việc đi lại rất khó khăn, chưa kể vào mùa mưa rắn hổ đất, trăn, vắt bu bám, vất vả vô cùng!". Dù khó khăn là thế, song những người công nhân ở đây đều xác định không để xảy ra những sự cố đáng tiếc, bảo đảm giữ thông mạch điện Bắc - Nam.
Khi đường dây 500 KV mạch 2 Pleiku - Hà Tĩnh được khởi công xây dựng, Công ty truyền tải điện 2 đảm nhận công tác tư vấn giám sát, nghiệm thu và quản lý vận hành hơn 600 km, từ Pleiku đến đèo Ngang. Đây là cung đoạn hết sức hiểm trở với hơn 70% vị trí cột nằm trong khu vực rừng núi, đi lại khó khăn, vượt qua các đèo núi. Anh Sơn - Đội phó Đội truyền tải điện Huế cho biết, với mạch kép, điện từ trường rất mạnh nên việc sửa chữa phải hết sức cẩn trọng. Đội cắt cử cán bộ kỹ thuật có tay nghề cao nhất quản lý, thường xuyên có mặt để kiểm tra, phát tuyến... không để xảy ra bất kỳ một sai sót nhỏ nào. Theo lãnh đạo Công ty truyền tải điện 2, khó khăn nhất là việc sửa chữa nóng đường dây 500 KV đang mang điện để đảm bảo cung cấp điện liên tục. Từ thành công của lần sửa chữa nóng đầu tiên vào ngày 9/9/2001, đến nay, các cán bộ kỹ thuật của công ty cũng đã nhiều lần khắc phục sự cố ở đường dây 500 KV khi đường dây đang dẫn điện, làm lợi cho Nhà nước hàng tỉ đồng.
Hữu Trà
Bình luận (0)