Khi sinh viên "liền anh, liền chị"

17/10/2009 10:33 GMT+7

Đều đặn hơn hai năm nay, nhà ăn A1-5 (Đại học Bách khoa Hà Nội) là nơi sinh hoạt, giao lưu của những sinh viên yêu thích quan họ. Đến đây, họ không chỉ được học hát, nghe hát quan họ mà còn được tìm hiểu về văn hoá, phong tục của làng quê Kinh Bắc.

“Hát quan họ cho đỡ nhớ quê!”

Trịnh Văn Tỉnh (khoa Điện tử viễn thông-Đại học Bách khoa) - người sáng lập ra CLB tâm sự: “Sinh ra ở Bắc Ninh, từ bé đã được nghe làn điệu quan họ từ bà, từ mẹ, nên quan họ thân thiết, gắn bó với mình như máu thịt. Ý tưởng thành lập nên CLB Quan họ của sinh viên Bắc Ninh cũng bắt đầu từ đó. Chỉ đơn giản là hát cho đỡ nhớ quê thôi”.

Ban đầu, số người đến với CLB chủ yếu chỉ để nghe, xem hát. Biết hát quan họ thật sự chỉ có ba sinh viên người Bắc Ninh. Không có thầy dạy hát, nhóm chỉ tập hợp, tự thuê băng đĩa về dạy nhau hát theo.

Sau hơn hai năm hoạt động, CLB không chỉ thu hút được các bạn trẻ người Bắc Ninh, mà còn rất nhiều người yêu quan họ ở các tỉnh khác cũng tham gia như: Nam Định, Hải Phòng, Hà Nội, Ninh Bình... Những buổi tối sinh hoạt của CLB còn “xôm” hơn bởi sự có mặt của các thầy cô giáo trong trường, các bác trung niên muốn đến nghe hát.

“Liền chị” Thủy Linh (khoa Anh - Đại học Dân lập Đông Đô) không phải gốc người Bắc Ninh, nhưng mê quan họ nên thường xuyên đến CLB tập luyện.

Theo Thủy: “Để ngấm được hồn cốt quan họ, không chỉ thuộc lời, hát được, mà còn phải hiểu cả những điển tích, điển cố trong lời bài hát. Lời quan họ cổ giản dị, nhưng không phải ai cũng có thể hiểu một cách sâu sắc được”.

Quan họ cổ rất khó hát, những bài hát như “mời nước mời trầu”, “cái hời cái ả”, “yêu nhau ngả nón ra ngồi”, “tay tiên trút chén rượu đào”... thật sự là thách thức đối với những sinh viên các tỉnh.

Họ muốn nghe lại những làn điệu cổ cho vơi bớt nỗi nhớ nhà. Nhiều khi, trên diễn đàn họ có hỏi về những bài hát quan họ cổ rất khó kiếm. Bọn mình phải cất công về tận Bắc Ninh, vào những làng quan họ, nhờ các cụ cao niên trong làng h át lại những bài hát ấy rồi thu âm lại - Nguyễn Thanh Biên, chủ nhiệm CLB chia sẻ.

Nghe qua tưởng dễ hát, nhưng để đạt được độ vang, rền, nền, nảy, hát đúng nhịp, phách không dễ dàng. Đối với những bài hát khó, phải tập nhiều buổi mới có thể hát thông thạo. Hát được rồi, cũng mất thêm một thời gian dài mới có thể hát có hồn.

Sau một thời gian hoạt động, CLB nhận được sự giúp đỡ của anh Nguyễn Hữu Duy (Cộng tác cho Trung tâm Phát triển m nhạc Việt Nam) trực tiếp dạy hát. Mỗi buổi sinh hoạt của nhóm, anh Duy lại bắt xe buýt hơn 30 cây số từ Bắc Ninh sang kiên trì hướng dẫn, dạy các thành viên hát theo đúng lối xưa, sử dụng lời cổ và không dùng nhạc đệm.

Đưa quan họ lên... “net”

Nhằm quảng bá rộng rãi hơn nữa loại hình nghệ thuật này, CLB đã lập nên hai trang web: dancavietnam.net và quanhobacninh.vn. Hai trang web này đã sưu tầm được hơn 400 bài quan họ cổ, và cải biên. Hơn 100 bài nghiên cứu về quan họ, giải thích về các điển tích, điển cố, tìm hiểu về văn hoá, phong tục tập quán vùng quê Kinh Bắc.

“Trước đây, muốn tìm các đĩa hát quan họ có rất nhiều, nhưng tìm trên mạng thì chỉ ra một vài bài, chứ không được đồng bộ như trên trang web của CLB. Bọn mình đã cất công sưu tầm lại các băng, đĩa hát, thu âm lại những bài hát trong những đêm hát ở quê để đưa lên mạng”. Bạn Lưu Đình Cải(Khoa Điện - Đại học Bách khoa) cho biết.

Hai website ra đời một thời gian ngắn, đã có thêm rất nhiều thành viên từ khắp mọi miền đất nước, các lứa tuổi khác nhau. Thành viên cao tuổi nhất đã hơn 70 tuổi. Ngoài ra, còn có những thành viên là Việt kiều xa quê.

Theo Đinh Liên / Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.