Khởi nghiệp với vải nhuộm chàm, củ nâu

Thúy Hằng
Thúy Hằng
25/02/2018 07:28 GMT+7

"Bất kể cô gái Mông nào trước khi đi lấy chồng cũng thành thục việc dệt vải. Tôi tự hỏi mình tại sao không thể tiếp nối công việc này, vừa có hàng để bán, vừa có thể là địa điểm cho khách du lịch tham quan?"

Học hết lớp 12, Sùng Thị Lan (32 tuổi, bản Tả Van Giáy, xã Tả Van, H.Sa Pa, Lào Cai) chỉ ở nhà trồng lúa, nuôi gà lợn nhưng chỉ đủ ăn nên cô quyết định vay mượn tiền, khôi phục nghề nhuộm, dệt vải truyền thống của gia đình.
“Tôi là con thứ 5 trong tổng số 11 người con của bố mẹ, gia đình cực kỳ thiếu thốn, khó khăn. Ngay cả khi tôi đã lập gia đình, cái nghèo vẫn đeo bám. Chúng tôi, bất kể cô gái Mông nào trước khi đi lấy chồng cũng thành thục việc dệt vải. Tôi tự hỏi mình tại sao không thể tiếp nối công việc này, vừa có hàng để bán, vừa có thể là địa điểm cho khách du lịch tham quan?”, Lan nói. Lấy chồng người Giáy, Lan học hỏi nghề làm vải lanh (đay) nhuộm chàm và củ nâu của đồng bào nơi đây. Cô dùng hết tiền tiết kiệm, đồng thời vay mượn cho đủ 70 triệu đồng để đầu tư vào khung dệt, con lăn, nguyên liệu nhuộm vải và các dụng cụ phục vụ nghề. Cô thuê thêm 7 phụ nữ trong bản thành thạo nghề phụ giúp mình theo thời vụ để tiết kiệm chi phí nhân công. Công việc này cũng phụ thuộc khá nhiều vào thời tiết, bởi nếu nhuộm và phơi vải khi không có nắng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng sản phẩm.
Không chỉ bán sản phẩm ở địa phương, mới đây vải nhuộm, các sản phẩm túi, áo, váy thổ cẩm của Lan đã đến TP.HCM. Cô vừa xuất hơn 1.000 m vải tới thị trường sôi động nhất cả nước và hy vọng trong tương lai, con số này sẽ tăng trưởng thường xuyên.
Ngoài làm vải thủ công, hiện tại Lan và những người phụ nữ trong bản Tả Van Giáy cũng đang làm hương (nhang) thủ công bằng các loại gỗ, trầm, thảo mộc sẵn có. Cô mới chuyển hơn 520 hộp hương vào TP.HCM tiêu thụ. Mỗi tháng, lợi nhuận từ việc làm vải, hương mang về cho Lan khoảng 12 triệu đồng, gấp nhiều lần việc trồng lúa, ngô. Lan cho hay, ngoài việc nâng cao đời sống cho gia đình, có thể chăm sóc cho 2 con tốt hơn, Lan cảm thấy tự hào khi đang gìn giữ được nhiều nghề truyền thống có nguy cơ mai một của quê hương.
Mỗi tháng, một người thợ của Lan có thể làm ra 400 - 500 sải vải nhuộm chàm, củ nâu (mỗi sải bằng 1,4 m thông thường). Tuy nhiên, những ngày đầu năm 2018, Lan đã làm hỏng hơn 200 m vải nhuộm vì giá rét, cô ước tính thiệt hại chừng 12 triệu đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.