Kỹ năng công nghệ số cho lao động trẻ

Thu Hằng
Thu Hằng
14/12/2018 08:01 GMT+7

Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, trí tuệ nhân tạo và robot, việc phối hợp kỹ năng chuyên môn với kỹ năng mềm chính là giải pháp tốt nhất giúp lao động trẻ thành công trong bối cảnh cuộc cách mạng về kỹ năng.

Đây là chia sẻ của các chuyên gia lao động tại hội thảo “Hội nhập quốc tế: Nguồn nhân lực trong tương lai, trang bị kỹ năng cho lực lượng lao động trẻ VN thành công” do Bộ LĐ-TB-XH và Tập đoàn Mainpower tổ chức mới đây.

Khó tìm lao động có kỹ năng

10 ngành nghề được tuyển dụng nhiều nhất
Theo khảo sát của Mainpower, 10 ngành nghề được tuyển dụng nhiều nhất gồm: thợ lành nghề (thợ điện, thợ hồ, thợ máy), đại diện bán hàng, kỹ sư (hóa học, điện, xây dựng, cơ khí), tài xế (xe tải, chuyển phát, xây dựng, vận chuyển hàng loạt), kỹ thuật viên (quản lý chất lượng, nhân viên kỹ thuật), công nghệ thông tin (chuyên gia an ninh mạng, quản trị mạng, hỗ trợ kỹ thuật), kế toán tài chính (kế toán viên, kiểm toán viên, phân tích tài chính), chuyên gia (quản lý dự án, luật sư, nhà nghiên cứu), hỗ trợ văn phòng (trợ lý hành chính, trợ lý cá nhân, tiếp tân), sản xuất (vận hành máy và quy trình sản xuất).
Theo ông Simon Matthews, Tổng giám đốc ManpowerGroup VN, Thái Lan và Trung Đông, khảo sát gần 40.000 nhà tuyển dụng tại 43 quốc gia, 2018 là năm thiếu hụt nhân tài cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Ngay cả những quốc gia có tỷ lệ việc làm cao nhất cũng gặp khó khăn. Đáng chú ý, nhà tuyển dụng không thể tìm kiếm lao động có kỹ năng mà họ mong muốn. Các công ty càng lớn càng khó khăn trong tuyển dụng nhân tài. Có 45% nhà tuyển dụng trên toàn thế giới không tuyển được người tài; 27% nhà tuyển dụng không tuyển được người phù hợp do ứng viên thiếu các kỹ năng chuyên ngành hoặc kỹ năng mềm.
Còn tại VN, ông Simon Matthews nhìn nhận lực lượng lao động trẻ VN có rất nhiều thế mạnh như: trẻ, đông đảo, chăm chỉ, ham học hỏi, dùng công nghệ trong tìm việc, sáng tạo. Tuy nhiên, lao động trẻ VN có những nhược điểm như tác phong làm việc, khả năng ngoại ngữ, kinh nghiệm và đặc biệt là kỹ năng mềm.
“Kỷ nguyên này là kỷ nguyên cách mạng của các kỹ năng, những người thiếu kỹ năng sẽ bị suy giảm việc làm, công việc không ổn định. Hiện lao động có kỹ năng tại VN chỉ chiếm 11% trong lực lượng lao động, có 40% lao động vẫn làm việc trong khu vực nông nghiệp. Nếu VN muốn cải thiện năng suất lao động, thu hút đầu tư nước ngoài, thì lực lượng lao động phải có kỹ năng cao hơn nhiều so với bây giờ. Việc giúp mọi người nâng cao kỹ năng trong thế giới việc làm thay đổi nhanh chóng là cần thiết, giúp họ có việc làm bền vững”, ông Simon Matthews nhận định.

Kỹ năng cần phải có trong các ngành công nghiệp


Để đón nhận thời cơ và cơ hội đang mở ra cho các lao động trẻ, tiến sĩ Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học - Lao động xã hội, cho rằng việc bổ sung kỹ năng số hóa trong tương lai là sự cần thiết. Ông Vinh chia sẻ: “Đặc điểm của việc làm trong tương lai có tính đa dạng và liên ngành, trí tuệ nhân tạo và máy móc điện tử, kết nối quốc tế, phát triển bền vững… Vì vậy, những kỹ năng cần phải có trong các ngành công nghiệp đang nổi lên là làm việc được với các hệ thống tự động và robot, nắm được các thuật toán để xử lý số lớn (big data), cơ điện tử, IT, kỹ năng giao tiếp…”.
Bên cạnh những kỹ năng trên, theo ông Vinh, những kỹ năng mà học sinh VN cần phải học trong nhà trường gồm: kiến thức tạo ra công nghệ (STEM), khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học… Các kỹ năng bổ sung cho công nghệ như: tư duy nhận thức bậc cao, kỹ năng cảm xúc xã hội và kỹ năng tương tác với công nghệ (kỹ năng số) đảm bảo làm việc trong môi trường khác nhau và các kỹ năng mềm, làm việc nhóm, sáng tạo, phản biện… cũng rất cần thiết với người lao động.
“Dù gì ngành chế tạo vẫn đóng một vai trò quan trọng với VN trong thời gian tới, bởi những ngành này vẫn mang lại nhiều công ăn việc làm cho người lao động. Cùng với việc trang bị những kỹ năng cần thiết, việc học tập suốt đời, học tập không ngừng sẽ giúp người lao động có công ăn việc làm bền vững, ổn định lâu dài”, ông Vinh nói.
Đồng quan điểm trên, ông Simon Matthews nhìn nhận, kỹ năng là đơn vị tiền tệ mới trong kỷ nguyên số khi công nghệ sẽ thay thế những công việc chân tay và mang tính chu kỳ. “Kỹ năng mềm + kỹ năng chuyên môn + kỹ năng số là sự kết hợp hoàn hảo nhất. Những kỹ năng này chính là thế mạnh của con người, bổ sung cho công nghệ và giúp người lao động giảm nguy cơ bị tự động hóa thay thế”, ông Simon Matthews nhấn mạnh.
Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, cho biết: “Bộ LĐ-TB-XH sẽ tăng cường năng lực cho hệ thống trung tâm giới thiệu việc làm trên cả nước; đồng thời củng cố kỹ năng, đặc biệt là những kỹ năng mới cho nguồn nhân lực VN”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.