Kỹ sư công nghệ thông tin về quê nuôi... gà Ai Cập

Nguyễn Phúc
Nguyễn Phúc
22/05/2018 08:16 GMT+7

Tốt nghiệp ĐH, lăn lộn vài năm trong ngành công nghệ thông tin, tới khi nhận ra đó không phải là niềm đam mê thực thụ của bản thân, Nguyễn Văn Tám (29 tuổi, thôn Nhĩ Thượng, xã Gio Mỹ, H.Gio Linh, Quảng Trị) rũ bỏ để trở về làm người… nuôi gà, như ước nguyện từ thuở bé.

Được hỗ trợ vốn từ gia đình để nuôi gà, Tám mạnh dạn nuôi loại không giống ai ở làng, đó là gà Ai Cập. “Mình tính kỹ lắm, nếu nuôi gà thịt thì làm sao cạnh tranh được với những hộ đã nuôi lâu năm, nên mình nhắm nuôi gà trứng. Mà theo mình tìm hiểu trên sách báo thì gà Ai Cập có hiệu suất đẻ trứng rất cao, có thể đạt 250 quả/con/năm”, Tám nói, cách nói không giống một tay mơ đang mò mẫm nghiên cứu.
Từ mấy chục con gà Ai Cập ban đầu, đàn liên tục phát triển nên cái vườn bé tẹo của gia đình quá chật chội cho giấc mơ làm giàu của Tám. Đầu năm 2017, Tám xin chính quyền cho mượn 2 ha đất cát bạc màu ở cuối thôn Nhĩ Thượng để “làm ăn lớn”.

Giờ đây, khi đã đổ vào trang trại số vốn hơn 300 triệu đồng, sở hữu hệ thống chuồng trại, đàn gà gần 1.000 con cả cho thịt và cho trứng, 6 con bò, bãi cỏ, bãi trùn quế..., Tám vẫn tặc lưỡi, rùng mình khi nhớ về ngày cũ. Hồi mới chuyển ra, khu vực này không có điện, mưa thì ngập, nắng thì khô khốc, mỗi đêm Tám nằm canh chuồng gà luôn sởn gai ốc vì tiếng kêu của những loài chim lạ…
Đến giờ, mọi thứ đã dễ thở hơn với chàng trai này, khi chuỗi thức ăn của trang trại đã xoay vòng ổn định (trùn quế làm thức ăn cho gà, cỏ làm thức ăn cho bò, phân bò và phân gà bón lại cho cỏ và nuôi trùn quế…). Những con gà Ai Cập thì vẫn đẻ “sồn sồn” mỗi ngày hơn 110 quả, đều được bán hết veo. Với giá 4.000 đồng/quả, Tám đã bắt đầu có lãi, và chuẩn bị cho những kế hoạch lớn hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.