Làm chủ "chợ trời"

06/02/2006 21:47 GMT+7

Kinh doanh thương mại điện tử ngày càng chiếm ưu thế trong giao dịch kinh tế. Đã có không ít doanh nhân trẻ Việt Nam kiếm được những khoản tiền khổng lồ từ internet. Còn bạn thì sao? Hãy nhanh tay dùng bàn phím và chuột để tạo... túi tiền đi nhé !

Những "ông trùm" chợ ảo

Với hai bàn tay trắng, những người trẻ đam mê kinh doanh đã tự tạo ra gian hàng và cả chợ cho riêng mình trên không gian ảo để kiếm những đồng tiền thật.

"Bỏ lỡ cơ hội là có tội với tương lai"

Đó là câu mà Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Công ty cổ phần truyền thông SARA thường nói với nhân viên của mình. Từ một chàng SV nghèo học báo chí, Hùng đã không theo nghiệp viết lách mà lao vào con đường chông gai trên thương trường để giờ đây trở thành giám đốc một công ty phần mềm và truyền thông.

"Ý tưởng làm một website thương mại điện tử đã có trong đầu tôi từ rất lâu. Ngay từ hồi là SV, tôi đã vào eBay, Amazone hàng ngàn lần dù chẳng mua gì. Khi vào đó, tôi được đi chợ, được ngắm hàng, và so sánh giá cả, để học cách kinh doanh nhờ vào công nghệ thông tin. Sau thử nghiệm thành công của www.chomuaban.com, khi quyết định cho ra mắt www.quatetonline.com, tôi muốn thử sức mình ở lĩnh vực mới. Điều quan trọng nhất là mình không bở lỡ cơ hội khi mình bắt gặp. Nếu bỏ qua, mình sẽ có lỗi với tương lai chính mình".

Với www.chomuaban.com, Hùng đã nếm trải thất bại đầu tiên khi liều lĩnh lao vào thương mại điện tử. "Ngày đó để lập một website mua bán chẳng cần nhiều vốn, mình cứ nghĩ ngon ăn. Nhưng càng làm càng thấy, không cần vốn ban đầu nhưng phải trường vốn để nuôi nó, phải kiên trì chờ đợi. Dựng chợ lên rồi mà không có hạ tầng công nghệ tốt, giao diện thân thiện, không có người quản trị giỏi thì cũng chẳng khác gì cái chợ hoang vì không ai vào. Chi phí cho nhân lực, thuê đường truyền rất lớn mà lợi nhuận chưa thấy đâu", Việt Hùng kể.


Nguyễn Tuấn Minh giao dịch với khách hàng
Khắc phục khó khăn, với hạ tầng công nghệ thông tin có sẵn, Hùng cùng hàng chục nhân viên thức đêm hàng tháng trời để gấp rút hoàn thiện công nghệ cho www.quatetonline.com nhằm kiếm đơn đặt hàng vào dịp Tết Bính Tuất. Quatetonline đã chính thức ra mắt người tiêu dùng vào ngày 1.1 vừa qua. Ngay lập tức, mầm non thương mại điện tử này đã trưởng thành cực nhanh nhờ nắm bắt thời cuộc. Giám đốc Nguyễn Việt Hùng hào hứng: "Ngay trong 3 ngày đầu  khai trương, chúng tôi đã đón hàng trăm lượt khách truy cập/ngày. Có những ngày nhân viên đưa hàng không kịp. Bây giờ nghĩ lại, nếu một tháng trước mình do dự không dám thử sức ở lĩnh vực này thì có lẽ giờ đã phải nuối tiếc. Tất nhiên, ra Tết mình sẽ mở rộng dịch vụ này để hoạt động kinh doanh nhiều mặt hàng khác chứ không phải chỉ là quà Tết".

"Kinh doanh máy tính, máy ảnh số, đồ hi-tech nói chung thì đối tượng của cửa hàng cũng là dân hi-tech. Vì vậy, ngay từ khi thành lập cửa hàng trên phố Lý Nam Đế năm 2001, chúng tôi đã nghĩ đến việc lập trang web để giới thiệu các mặt hàng qua mạng dù ngày đó thương mại điện tử vẫn còn là một khái niệm quá xa vời. Và thật may là hướng đi của tôi đã chính xác", Nguyễn Thanh Sơn, chủ cửa hàng điện tử The220 kể về ngày ra đời một trong những website quảng bá hàng hóa qua mạng đầu tiên của Hà Nội.

Làm chủ chợ trời


Những chợ ảo như thế này đã trở thành chỗ kiếm tiền thật của giới trẻ
Nhiều người nói đùa rằng Nguyễn Tuấn Minh, Giám đốc kinh doanh của PeaceSoft và là người chủ trì www.chodientu.com đang là "ông trùm" của một cái chợ có "mặt tiền" lớn nhất Việt Nam. Hoạt động của chợ đang diễn ra cực kỳ sôi động với vài chục ngàn lượt người truy cập/ngày và nhiều mục hấp dẫn giới trẻ như đấu giá và mua hàng trực tuyến. "Chúng tôi dự tính sẽ phát triển website thương mại điện tử của mình theo từng giai đoạn dưới sự đầu tư của Quỹ đầu tư tài chính triển vọng (IDG Ventures) của Tập đoàn IDG. Bước đầu chúng tôi xây dựng nền tảng công nghệ chodientu.com trở thành một thương hiệu quen thuộc với người tiêu dùng, sau đó sẽ có thu phí dịch vụ hợp lý trên giao dịch". Kéo con trỏ chuột vào phía trái màn hình, Minh nói tiếp: "Ví dụ, tất cả mọi người đều được rao tin miễn phí trên chợ, tuy nhiên những ai cần rao tin nổi bật với tỷ lệ thành công giao dịch cao sẽ trả thêm phí. Có thể những cuộc đấu giá hàng độc sẽ mang lại cho chúng tôi phần trăm nhất định. Trong vài năm tới, khi Việt Nam hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới, thương mại điện tử sẽ phát triển như một xu hướng tất yếu. Khi đó, chúng tôi đã có nền móng, việc kiếm tiền tỉ từ chợ ảo chắc không phải là ảo tưởng".

Tuy thành công bước đầu đã có nhưng khó khăn không phải đã hết với ông chủ "chợ trời": "Bây giờ cái khó khăn lớn nhất là làm sao thay đổi thói quen của người tiêu dùng vốn muốn đến tận nơi xem hàng, trả tiền. Chúng tôi hy vọng trong tương lai không xa sẽ có những eBay, Amazon của Việt Nam. Nhưng để đạt tới thành công đó không thể thiếu được những người dám đi những bước đầu tiên dù rằng khó khăn còn chồng chất. Tôi tin chúng tôi sẽ chiến thắng".

Tiểu thương trên chợ điện tử

"Tôi có thể kiếm được 1,4 triệu đồng/tháng từ chuột và bàn phím", Hoàng Sơn, sinh viên (SV) năm thứ 2 Trường ĐH khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội tự tin khẳng định như vậy khi cậu có thể tự trang trải cuộc sống SV nhờ vào một gian hàng ảo trên www.chodientu.com. Không chỉ mình Sơn, còn rất nhiều SV đang trở thành tiểu thương trên chợ ảo.

Cơ hội kinh doanh, cạnh tranh về giá

Khi đi dự cuộc hội thảo SV & kỷ nguyên internet thế hệ mới Sơn biết được trang www.chodientu.com. Về nhà, Sơn tò mò "đi chợ". Và rồi cậu bị ấn tượng bởi lời chào hàng cực kỳ đơn giản, rõ ràng về sản phẩm cùng với những thông tin của người bán. Có người nhà trên Lạng Sơn, Sơn cũng muốn thử "quảng cáo" sản phẩm USB Trung Quốc giá rẻ của mình. Sau một ngày suy nghĩ, cậu "à" lên một tiếng rồi đẩy lên một slogan nghe rất "ngon": "USB 128M giá bằng 8 tô Phở 24". Cậu nghĩ tiếp một cái nick giao dịch trên chợ điện tử và nick trên Yahoo Messenger thật ấn tượng là muadatbanre2002 và muadatbanre2005. Với vài thao tác đơn giản như vậy, chàng SV máu kinh doanh đã có một "gian hàng" nhỏ trong khu chợ điện tử.


Từ khi có web, nhân viên đưa cơm hộp bận rộn hơn gấp nhiều lần
Ngay hôm sau, Sơn vô cùng bất ngờ bởi nhận được quá nhiều đơn đặt hàng. Biết cơ hội làm ăn đã tới, cậu liền nhờ bà cô ruột chuyển hàng về Hà Nội qua đường ô tô. Sau một tuần khai trương, không ít bạn SV gửi thư cho Sơn đặt mua những chiếc USB với giá rẻ bất ngờ. USB 128 Mb chỉ có 190.000 đồng trong khi ngoài thị trường loại tương đương là 250.000 đồng. USB 512 Mb cũng chỉ 340.000 đồng, rẻ hơn ngoài hàng tới 100.000 đồng. "Mình bán hàng qua mạng, không mất chi phí thuê cửa hàng, phí vận chuyển không đáng kể nên chỉ bán với giá rất thấp, bằng 1/2 hoặc 2/3 giá ngoài thị trường mà chất lượng và bảo hành vẫn như vậy. Cạnh tranh về giá là thế mạnh của mình". Tuy nhiên, cũng có nhiều đơn đặt hàng ảo khiến Sơn tốn xăng, mất công đi đến địa chỉ giao hàng rồi chờ cả tiếng không thấy đối tác. "Cũng có những khi đến nơi có người xem hàng nhưng họ lại chê ỉ ôi, mình đành mang về. Tuy nhiên, số đó không nhiều. Sau nhiều đơn đặt hàng, mình hẹn họ đến chỗ mình lấy", Sơn chia sẻ kinh nghiệm.

Kiếm tiền thật từ mạng ảo

Giản dị, tiện lợi, đó chính là cách quảng cáo của cửa hàng cơm hộp trên phố Thái Hà. www.comhop.com ra đời khi mà ông chủ Vũ Thành Tuyên đã rất hiểu những tiện ích của thương mại điện tử. Chỉ sau cú nhấp chuột, bạn sẽ thấy một thực đơn phong phú với giá chỉ từ 10.000 đến 16.000 đồng/suất, phục vụ rất nhanh, nhiệt tình. Anh Tuyên cho biết: "Đối tượng chính của chúng tôi là nhân viên văn phòng, mà đó lại là những người thường truy cập internet nhiều nhất. Nhờ có trang web mà mỗi ngày cửa hàng có thể bán được thêm 200 suất".

Khi lượng khách truy cập web quá lớn, anh Tuyên buộc phải tạm dừng và thuê hẳn chuyên gia nâng cấp website của mình để trở thành một website thương mại điện tử chuyên nghiệp ở địa chỉ mới www.comhophanoi.com sẽ ra mắt trong thời gian tới. Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong thời gian tạm dừng web cũ, anh vẫn phục vụ khách ở www.comhophunglong.com.

Tương tự, trang web www.banhminhulan.com chuyên cung cấp các lại bánh mì, bánh ngọt, bánh sinh nhật. Chỉ cần gọi điện thoại hoặc đăng nhập, nhân viên sẽ đến tận nơi giao hàng, không phí vận chuyển, trong thời gian nhanh nhất, kể cả lúc... kẹt xe !

Cách quảng cáo của những tiểu thương trên chợ điện tử cũng rất độc đáo. Những câu slogan kiểu như: "không còn gì rẻ hơn máy ảnh xịn của tôi", hay "USB = 8 tô Phở 24", "chất lượng tốt thôi à, chưa đủ, dịch vụ tốt mới là điều đáng nói"... đang xuất hiện ngày càng nhiều báo hiệu hàng loạt tiểu thương sẽ thành ông trùm chợ ảo.

Káp Thành Long - Trần Hồng Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.