Trên thực tế, hiện tượng “nhảy việc” trong giới lao động trẻ vẫn đang còn rất phổ biến. Một số kết quả khảo sát mới đây phác họa thêm về thực trạng này, cho thấy sự thiếu ổn định về việc làm của nhóm đối tượng lao động này.
Vẫn là chuyện lương cao, lương thấp
Công ty TNHH Loan Lê vừa công bố kết quả khảo sát về hiện trạng việc làm của người lao động tại 300 DN nhỏ và vừa. Các thông số rút ra từ khảo sát cho biết tính ổn định việc làm của người lao động là rất thấp. Cụ thể, có tới 41% nhân viên vào DN làm việc trong khoảng thời gian từ 1 – 6 tháng thì xin nghỉ việc hoặc bị buộc thôi việc. Nguyên nhân được các DN đưa ra là do: 60% nhân viên làm việc không hiệu quả; 42% không phối hợp tốt với các bộ phận và đồng nghiệp; 39% không thích nghi hoặc không phù hợp với văn hóa DN; 38% thiếu và yếu kỹ năng làm việc đội nhóm. Trong khi đó, 80% nhân viên được hỏi cho biết lý do nghỉ việc do muốn tìm nơi làm khác có lương cao hơn; kế tiếp 63% cho rằng do nơi làm việc xa chỗ ở; 60% do mức độ công việc khó khăn; 50% do cường độ làm việc cao và 30% môi trường làm việc không phù hợp.
Có một sự tương đồng giữa khảo sát trên với khảo sát hiện trạng lao động trẻ do Báo Người Lao Động triển khai từ tháng 4-2008. Khảo sát có sự tham gia của 655 người đang tìm việc (gọi tắt là ứng viên), trong đó có 445 ứng viên đã từng đi làm. Kết quả cho thấy có 35% trong số 445 ứng viên nghỉ việc, chuyển đổi nơi làm việc mới sau dưới một năm làm việc ở DN cũ; 39% ứng viên nghỉ việc sau từ 1 – 2 năm làm việc và 26% ứng viên nghỉ việc sau 3 năm làm việc. Về nguyên nhân, 59% ứng viên nói lý do bỏ việc do DN trả lương không tương xứng, chậm tăng lương; số còn lại do công việc cực nhọc hoặc công việc nhàm chán, làm việc trái chuyên môn hoặc vì những lý do khác.
Nhìn từ các kết quả khảo sát, bà Lê Thị Thúy Loan, Tổng Giám đốc Công ty Loan Lê, nhận định rằng vẫn đang còn một sự cách biệt lớn giữa yêu cầu của chủ DN và đòi hỏi của nhân viên. Trong khi DN ngày càng đòi hỏi cao hơn về năng lực chuyên môn, trách nhiệm và mức độ cống hiến của nhân viên thì đại đa số nhân viên mới đặt yếu tố lương lên hàng đầu; đi đôi với những quyền lợi mong muốn được đáp ứng. Khi không được đáp ứng hoặc vì áp lực công việc, chuyên môn, năng lực không phù hợp với công việc, nhiều bạn trẻ nghĩ ngay đến chuyện bỏ việc để tìm môi trường mới tốt hơn.
Thiếu tự tin và thiếu đầu tư nghề nghiệp
Đây là hai hạn chế lớn nhất tác động đến quá trình phát triển nghề nghiệp về sau của giới lao động trẻ mà hầu hết các chuyên gia tư vấn nhân sự đúc kết như thế. Ở khảo sát của Báo Người Lao Động, sự thiếu tự tin thể hiện tương đối rõ và nó gián tiếp khiến ứng viên bỏ qua những cơ hội tìm kiếm việc làm tốt hơn. Chẳng hạn, phần đông ứng viên trả lời khảo sát bày tỏ mong muốn tìm nơi làm việc mới có lương cao hơn; bản thân họ có kinh nghiệm, có bằng cấp ĐH, chứng chỉ chuyên môn... nhưng chỉ đề nghị mức lương ở nơi làm mới bình quân khoảng 1,5 triệu đồng/tháng (mức lương đề nghị của nhóm ứng viên có từ 1 – 2 năm kinh nghiệm). Trong khi đó, việc định hướng, đầu tư cho phát triển nghề nghiệp cũng có vấn đề. 40% ứng viên nói chưa có dự định cụ thể nào cho phát triển nghề nghiệp trong những năm tới; phần đông trong số còn lại nói chung chung mục tiêu quan trọng nhất là có việc làm ổn định, thu nhập khá...
Theo ông Philippe Dendievel, chuyên gia tư vấn nhân sự cấp cao, Giám đốc Công ty Delta Consulting, từng nhận định rằng phần đông giới trí thức trẻ VN mà ông tiếp xúc thiếu sự đầu tư đúng đắn cho phát triển nghề nghiệp. Trong khi đòi hỏi DN phải trả lương, quyền lợi tương xứng, bản thân mỗi nhân viên phải xác định mục tiêu làm việc, xem giai đoạn đầu tìm việc là rất quan trọng cho việc tích lũy kinh nghiệm, chuyên môn, làm nền tảng cho phát triển nghề nghiệp về sau. Điều này thì nhiều bạn trẻ vẫn chưa coi trọng.
Theo Nguyễn Duy/Báo Người Lao Động
Bình luận (0)