Lẽ nào xấu cũng là cái tội ?

29/06/2015 05:00 GMT+7

(TNO) Nhiều bạn trẻ đã thốt lên đầy chán ngán như vậy khi mất đi nhiều cơ hội việc làm chỉ vì… ngoại hình không đẹp.

(TNO) Nhiều bạn trẻ đã thốt lên đầy chán ngán như vậy khi mất đi nhiều cơ hội việc làm chỉ vì… ngoại hình không đẹp.

Không ít bạn trẻ ám ảnh bởi yếu tố ngoại hình khi đi xin việc Ngoại hình dễ nhìn là một lợi thế khi đi xin việc - Ảnh minh họa: Shutterstock

Nhân viên tạp vụ cũng phải có ngoại hình dễ nhìn

Đang cùng là thực tập sinh tại một công ty PR, thế nhưng nếu như người bạn cùng lớp được tham gia các buổi họp của công ty, được giám đốc nhận làm thư ký riêng, thường xuyên rủ đi ăn, đi chơi, tặng quà, thậm chí ngỏ lời nhận vào làm chính thức… thì Q.V., sinh viên Trường ĐH Văn Lang, phải “chạy vòng ngoài”: pha trà, photo tài liệu… cho mọi người.
Q.V nhận ra yếu tố tạo nên sự khác nhau rõ rệt trong trường hợp này chính là… nhan sắc. Bởi khả năng sáng tạo, ý tưởng cho công việc, lực học… của Q.V đều hơn hẳn bạn. Nhưng do chỉ cao 1,55 m, không xinh đẹp nên cơ hội để tìm việc làm không bằng bạn mình: cao hơn, có gương mặt khả ái hơn. “Thôi thì đành chấp nhận vậy”, Q.V ngậm ngùi.
Thực tập thôi đã “phân biệt, đối xử” như vậy thì đi xin việc càng khó hơn. Bởi hiện nay nhiều doanh nghiệp, công ty tuyển dụng luôn kèm thêm yêu cầu với các ứng viên nữ: phải có ngoại hình ưa nhìn, ngoại hình khá.
Một công ty cổ phần mạng trực tuyến tại TP.HCM tuyển nhân viên bán hàng online cũng ưu tiên ứng viên có hình thức ưa nhìn, một trung tâm ngoại ngữ tuyển nhân viên tư vấn tuyển sinh với yêu cầu phải có ngoại hình thanh lịch... Và “ngoại hình ưa nhìn”, “ngoại hình khá” đã trở thành nỗi ám ảnh với biết bao nữ sinh viên mới ra trường.
Huyền T., tốt nghiệp xuất sắc Trường ĐH Luật TP.HCM, khi cô nộp đơn ứng tuyển vào vị trí cán bộ pháp chế của một tập đoàn đã bị đánh rớt chỉ vì không đáp ứng được yêu cầu: ngoại hình ưa nhìn.

Thu H. (cựu sinh viên Trường ĐH Mở TP.HCM) đã trải nghiệm “thực tế đau đớn” này hàng chục lần. “Bạn bè mình cũng thế, nhiều người có khả năng làm việc, sở hữu tấm bằng giỏi, bản điểm cao, thế nhưng vì không được đẹp, không được cao, không có ngoại hình ưa nhìn nên đã bị các công ty đánh rớt. Ngược lại, nhiều người năng lực yếu hơn, nhưng vì sở hữu gương mặt khả ái... lại được tuyển dụng”, Thu H. cho biết.

“Nếu như ở các vị trí đặc thù như: ngân hàng, lễ tân, nhân viên bán hàng… thì yêu cầu này là chấp nhận được. Trong khi những vị trí như hỗ trợ kỹ thuật, quản lý kho điện thoại di động… cũng yêu cầu tương tự thì những ai không có ngoại hình đẹp như mình “hết chỗ sống”, chẳng biết nên tìm công việc gì nữa”, Khánh L. (cựu sinh viên Trường ĐH Tài chính Kế toán), than vãn khi bị công ty về thiết bị điện tử từ chối nhận làm việc.
Chính những điều này đã khiến không ít bạn trẻ thắc mắc: Phải chăng giấy thông hành để đi xin việc chính là ngoại hình đẹp ? Lỡ không có ngoại hình đẹp thì bây giờ phải làm sao?
Theo thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An, Giám đốc chiến lược Công ty Ý tưởng Việt, có nhiều doanh nghiệp ưa thích yếu tố ngoại hình đẹp nhưng nếu chỉ lấy yếu tố ấy làm tiêu chí quyết định mà không xem xét đến các yêu cầu khác thì doanh nghiệp đó sẽ gặp thất bại trong việc sử dụng nguồn nhân lực.
Chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ

Cũng theo ông An, sắc đẹp nhận được sự chú ý, điều đó là chắc chắn nhưng tôi thường nghe câu: “xấu nhưng biết phấn đấu, xấu mà kết cấu nó hài hòa” cũng không sai. Ấn tượng ban đầu tốt, gây được thiện cảm là một điểm cộng rất lớn. Tuy nhiên, cũng đã có rất nhiều người đẹp nhưng “kém duyên”, không có kỹ năng nghề nghiệp, thái độ tự cao, giao tiếp kém thì cũng nhanh chóng bị sa thải.

Ở góc nhìn khác, thạc sĩ quản trị nhân sự Nguyễn Thị Hoàng Anh cho rằng không thể phủ nhận ngoại hình đẹp, ưa nhìn là một trong những ưu thế lớn đối với các ứng viên trong việc tạo ra thiện cảm trong những lần giao tiếp đầu tiên với các nhà tuyển dụng. Nếu ứng tuyển vào các vị trí “mặt tiền” của doanh nghiệp như lễ tân, giao tiếp khách hàng thì ngoại hình đẹp và ưa nhìn sẽ là một trong những điều kiện tiên quyết, nhưng ngược lại, đối với các vị trí “nội thất” như khối hành chính văn phòng thì yêu cầu về ngoại hình ở đây không xét trên phương diện “xấu - đẹp” mà chính là phong cách thời trang của các bạn có chỉn chu, gọn gàng và phù hợp với môi trường công việc hay không.
Bên cạnh đó thì thái độ, kỹ năng nghề nghiệp là điều rất quan trọng vì bất cứ một doanh nghiệp nào cũng đều có nhu cầu tuyển dụng những ứng viên có năng lực tốt nhất, phù hợp nhất, mang lại nhiều lợi ích nhất cho công việc.
“Như vậy, ngoại hình ưa nhìn chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ để quyết định đến sự thành công hay thất bại trong việc tìm kiếm và lựa chọn 'người bạn đời - công việc' của các bạn. Mà cơ hội là dựa trên năng lực thật sự và điều đó luôn nằm trong tầm tay của chính các bạn - những người đã hiểu thật sâu, nắm thật kỹ những lợi thế của bản thân đối với nhu cầu của doanh nghiệp”, bà Hoàng Anh nói.

Ý kiến:

“Tùy công việc mà ngoại hình có là yếu tố giúp dễ đạt được thành công trong công việc hơn không. Có một số công việc mà ngoại hình quá đẹp còn đem đến sự bất lợi vì dễ bị nói xấu, ghen tị hơn. Sự việc nào cũng có hai mặt của nó cả. Lúc nào cũng có thuận lợi và khó khăn riêng. Đẹp thường dẫn đến một chút gì đó lười hơn, hoặc phân tâm hơn vì những lời mời khác bên ngoài công việc như bạn bè, ăn uống, tình yêu… Tuy nhiên do xã hội hiện tại đa phần trọng bề nổi nên nếu có bề nổi (trường hợp này là có ngoại hình đẹp) thì trong đa số công việc sẽ có sự thuận lợi hơn”, (Ông Nguyễn Thanh Minh, Giám đốc Công ty DeltaViet).

Nhiều doanh nghiệp, công ty thường chuộng hình thức, ngoại hình. Một số công ty nước ngoài họ lại chú trọng vào năng lực, chuyên môn của ứng viên”, (Hồng Thanh, cựu sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM).

“Thật sự sốc vì rào cản, khó khăn mà bản thân mình gặp phải đầu tiên không phải là kiến thức mà là 'tấm bằng ngoại hình đẹp'”, (Thạch Thuận, cựu sinh viên Trường ĐH Đà Lạt).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.