Bạn Nguyễn Kim Hằng, 21 tuổi, sinh viên năm 3 Trường ĐH Phương Đông Hà Nội từng là một học sinh khá giỏi tiếng Anh, hoạt động ngoại khóa sôi nổi tại Trường THPT ở huyện Ninh Giang, Hải Dương. Tuy nhiên, những ngày đầu tiên nhập học, Kim Hằng choáng khi thấy các bạn bè trong lớp đều là những sinh viên xuất sắc hơn mình rất nhiều.
Đơn độc nơi xa lạ
“Các bạn hội thoại hay thuyết trình bằng tiếng Anh vèo vèo. Khi thầy cô cho bài tập làm việc nhóm cần mối quan hệ với các khách sạn, nhà hàng tại Hà Nội, các bạn có thể tìm được rất nhanh và sớm có cơ hội được thực tập ở những nơi mà sinh viên từ tỉnh khác tới còn khá lạ lẫm, bỡ ngỡ. Tôi từng đóng chặt cửa phòng trọ và khóc rất nhiều khi thấy quá đơn độc ở Hà Nội xa lạ này, tôi không biết phải bấu víu vào đâu để bắt đầu mọi thứ”, Kim Hằng nhớ lại.
Trong khi đó, Trương Phương Thảo, 22 tuổi, sinh viên năm cuối Trường ĐH kiến trúc TP.HCM vẫn chưa thể quên khủng hoảng “nhớ nhà, hoang mang khi cảm thấy chỉ có một mình” khi là tân sinh viên của mình.
“Tôi luôn nhớ về thời THPT, khi tôi có học tập vất vả nhưng vẫn có gia đình, những người bạn thân thiết ở gần nhà mình để chia sẻ. Còn trở thành sinh viên năm nhất, ở giữa một Sài Gòn quá rộng lớn còn mình cô độc, tôi hoang mang và tủi thân vô cùng. Mỗi chiều chiều, khi thành phố lên đèn, nước mắt tôi lại chảy dài vì nhớ nhà”.
Tự quản lý mọi việc
Bạn Nguyễn Khánh Xuân, 21 tuổi, sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết với tân sinh viên đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau, không có cha mẹ và người thân ở cùng, rất dễ gặp những khó khăn trong việc phải tự lập, tự quản lý mọi việc. Do đó, Xuân đưa ra lời khuyên, tân sinh viên cần chú ý quản lý tài chính của mình, bố trí khoản tiền nào cho học phí, khoản nào cho tiền thuê nhà, tiền sinh hoạt phí. “Sinh viên năm nhất thường sẽ được bố mẹ bao cấp, nhưng trong một khoản tiền nhất định, nếu chi tiêu mua sắm không có tính toán, cuộc sống của sinh viên chắc chắn sẽ gặp khó”, Xuân nói.
Trần Thu Quỳnh, 22 tuổi, sinh viên năm cuối Học viện Báo chí - Tuyên truyền, cho hay nếu là sinh viên xa nhà, tự lập ở một thành phố xa lạ, sẽ không hiếm có những lúc thấy khủng hoảng và lo lắng về tương lai của mình. “Tuy nhiên, tôi cho rằng các bạn trẻ không nên ngồi một chỗ và than vãn. Các bạn có thể tham gia các câu lạc bộ ngoại khóa ở trường đại học, đội thanh niên tình nguyện, đội văn nghệ xung kích, từ đó cho mình sẽ có thêm những người bạn tốt, cùng chia sẻ và tháo gỡ các khó khăn”, Quỳnh cho hay.
|
Phùng Bích Du, thành viên dự án “Stress! Let's be friends!”, 21 tuổi, sinh viên năm 3, Trường ĐH Sài Gòn bày tỏ, với sinh viên năm nhất, khủng hoảng do thay đổi môi trường sống một phần. Phần khác, sinh viên năm nhất chưa đủ kỹ năng xử lý tình huống nên càng thấy lo lắng với những điều mới lạ mà bản thân phải đối mặt.
Bích Du chia sẻ: “Các bạn nên bình tĩnh, suy nghĩ kỹ, đối với những thứ ngoài khả năng nên hỏi người giúp đỡ mà mình tin cậy. Sinh viên cũng đừng quá sợ hãi, vì tuổi trẻ, ai cũng phải vấp váp và thất bại đôi lần để trưởng thành”.
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Ngọc Giàu, giảng viên Trường ĐH Hoa Sen, khuyên tân sinh viên đừng ngồi một chỗ than phiền hay lo âu, họ nên vận dụng những kỹ năng tìm kiếm người hỗ trợ cho mình. Lực lượng này có thể là đoàn thanh niên, hội sinh viên ở trường đại học; mạng lưới những người đồng hương của mình ở thành phố hoặc trong ngôi trường mình đang học; mạng lưới những sinh viên các năm thứ 3, thứ 4 sẵn sàng tư vấn hỗ trợ tân sinh viên về nhà trọ, tìm kiếm việc làm thêm…
“Ví dụ ở Trường ĐH Hoa Sen vào đầu năm học thường có một tuần lễ để các giảng viên, nhân viên các khoa, phòng trong trường gặp gỡ, nói chuyện với sinh viên xem họ có thể cung cấp dịch vụ gì, hỗ trợ giúp đỡ gì cho sinh viên ở mức tối đa nhất, từ đây các bạn sinh viên có thể bày tỏ trực tiếp những khó khăn mình đang gặp để được tháo gỡ”, thạc sĩ Giàu chia sẻ.
Bình luận (0)