Hằng năm, vào dịp tháng 3, tháng 8, tại vùng quế của Văn Yên, người dân đổ xô đi khai thác quế. Đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu, các xưởng chế biến quế vỏ mọc lên ngày càng nhiều. Đỗ Văn Quyền, một thành viên trong nhóm sáng kiến kể: “Ngày mùa, cả vùng ngập tràn là quế. Người dân chủ yếu làm bằng phương pháp thủ công, năng suất lao động thấp nên quế sau khi thu hoạch về phơi khắp nơi trong sân, ngoài vườn, cả lối đi. Quế nhiều đến mức chất như củi”. Chứng kiến bố mẹ và bà con làng xóm quần quật từ sáng đến tối nhưng năng suất lại không cao, tranh thủ nghỉ hè, nhóm học sinh trường THPT Nguyễn Lương Bằng gồm có Đỗ Nhị Hương Trang, Lương Văn Hưng, Tống Khánh Hưng, Đỗ Văn Quyền mày mò chế tạo máy bào vỏ quế.
Do không có điều kiện mua sắm thiết bị mới, linh kiện chế tạo máy bóc vỏ quế đều được sưu tầm từ các hiệu sửa xe máy. Đỗ Nhị Hương Trang, trưởng nhóm cho biết: “Những đầu bu-gi hỏng; dây công-tơ-mét đứt; động cơ máy bơm nước... sau khi vệ sinh, tra mỡ vào ổ bi vẫn có thể chạy tốt. Phần vỏ bảo hiểm làm từ ống nhựa tận dụng đồng nát rồi sơn phía ngoài; tay nắm làm từ sắt uốn cong, tra thêm gỗ để cầm nắm. Còn phần lưỡi bào là loại lưỡi bào gỗ của thợ mộc mua ở cửa hàng sắt với giá tại chợ Văn Yên là 35.000 đồng/bộ. Tính ra chỉ mất công, chứ chi phí đầu tư không lớn”.
|
Ngay sau khi chạy thử chiếc máy bào vỏ quế ngon lành, các bạn trẻ tổ chức đi “tiếp thị” cho bà con thực hành luôn. Chị Hà Thị Ánh, thôn Trung Tâm, xã An Thịnh là khách hàng đầu tiên tìm đến đặt hàng các bạn trẻ. Đỗ Nhị Hương Trang thổ lộ: “Bọn mình chỉ có ý định giới thiệu thử trước khi đem dự cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc. Nhưng bất ngờ cô Ánh yêu cầu nhóm lắp ráp cho xưởng của cô 5 máy với giá 400.000 đồng/máy. Có thể với nhiều người, 2 triệu đồng là nhỏ, nhưng với bọn mình đó là số tiền trong mơ vì ít ra “người lớn” đã tin tưởng và ghi nhận thành quả nghiên cứu của chúng mình”.
Đối với những người chế biến quế, sự ra đời của máy bào vỏ quế đã mở ra một hướng phát triển mới. Chị Hà Thị Ánh tính toán: “Mỗi ngày xưởng của chúng tôi thu mua 3-4 tạ quế. Sau đó, chúng tôi phải thuê mất ba công, chi phí là 85.000 đồng/công. Nếu có máy này thì chỉ mất 3 giờ đồng hồ là xong”.
Ngoài ưu điểm tăng năng suất, máy bào vỏ quế còn tăng giá trị cho nông sản. Bạn Đỗ Văn Quyền so sánh: “Sau khi bóc rời khỏi thân cây, nếu trời nắng chỉ sau 2 ngày phải bào xong quế. Nếu không bào kịp thì vỏ khô cứng và cuộn lại không thể bào được, khi bán sẽ bị mất giá, đồng nghĩa với thu nhập của người dân sẽ giảm đi. Thêm vào đó, các hộ nông dân bào quế bằng tay nên vết bào không đáp ứng yêu cầu xuất khẩu do vết bào không đều, chỗ nông chỗ sâu, bào không sạch chưa hết tầng biểu bì, bào không xong vỏ, không cuốn được. Máy bào vỏ quế với động cơ 250 W, lưỡi bào 2 dao quay trong một quỹ đạo ổn định. Máy bào đi lớp vỏ mỏng không chứa dầu quế, để lại lớp phía trong của vỏ quế chứa nhiều dầu, tạo sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu cao. Chỉ cần một người điều khiển hết sức đơn giản, năng suất cao gấp 3 lần theo kiểu truyền thống”.
Sản phẩm quế bào hiện được xuất khẩu sang các nước Trung Quốc, Ấn Độ… với giá khoảng 20.000 đồng/kg. Theo Hương Trang, nếu bà con tận dụng được phế liệu lắp ráp máy bào vỏ quế thì chi phí giá thành cho một máy khoảng 260.000 đồng, khi đó đời sống đồng bào Dao vùng Văn Yên đã có thể nhờ vào “vàng” quế.
Thu Hằng
Bình luận (0)