“Muốn thành công, đừng đốt cháy giai đoạn”

25/10/2005 21:30 GMT+7

Nhân kỷ niệm 48 năm thành lập Trường ĐH bách khoa TP.HCM và đón nhận danh hiệu Anh hùng lao động, trường đã tổ chức buổi giao lưu với những cựu sinh viên thành đạt. Tại đây, những giám đốc, phó giám đốc, trưởng phòng... là sinh viên cũ của trường đã chia sẻ những kinh nghiệm về quá trình lập nghiệp của mình với "thế hệ đàn em".

Họ là những sinh viên từ các khóa học 1983 cho đến 1996. Có người tóc đã điểm sợi bạc, nhưng tất cả đều toát ra vẻ tự tin, đĩnh đạc của những người thành đạt. Anh Đinh Viết Duy, thạc sĩ quản trị kinh doanh, kỹ sư xây dựng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần xây lắp thương mại 2, kể lại thời sinh viên vất vả nhưng rất... hào hùng: "Ngày đó, chúng tôi đâu có nhiều cơ hội như các em bây giờ. Học tập rất cực. Ngoài giờ học ở trường còn tự tìm kiếm tài liệu bên ngoài nhưng đâu dễ vì sách hiếm, internet chưa phát triển... Các em có quá nhiều ưu thế: được học tập trong môi trường năng động, được trang bị tốt về kiến thức chuyên ngành, tiếp cận dễ dàng với thực tế. Nhưng tôi thấy có rất nhiều em vẫn phải thi lại nhiều môn". Anh Duy có một thành tích nghe thì có vẻ bình dị, nhưng lớp của anh chỉ có 2 người đạt được 5 năm học không phải thi lại môn nào.

Về phía "thế hệ đàn em", dường như các bạn cũng hiểu được những ưu thế hiện có của thế hệ mình nhưng vẫn có những thắc mắc xung quanh việc các vấn đề làm thế nào để trở thành người thành đạt, công tác Đoàn, Hội tại trường có giúp gì cho công việc sau này hay chỉ làm mất thời gian, các công ty tuyển dụng đòi hỏi nhân viên phải có 2 năm kinh nghiệm, vậy SV làm sao xin được việc... Anh Cao Hoài Nhân, Giám đốc nhà máy của Vilube Corp, một cán bộ Đoàn trường năng nổ năm nào khẳng định: "Tham gia công tác Đoàn, Hội tại trường sẽ giúp bạn nâng cao rất nhiều kỹ năng cần thiết trong quá trình làm việc sau này mà các bạn cần trau dồi như: giao tiếp, tổ chức, quản lý, diễn đạt ý tưởng... Một điều quan trọng nữa là nếu muốn thành đạt, bạn phải nuôi dưỡng tư tưởng mình phải trở thành... giám đốc hay nhà quản lý. Trong quá trình làm việc, các bạn nhớ phải rèn luyện chuyên môn và ngoại ngữ sao cho thật giỏi".

Có nhiều nhân vật thành đạt cho rằng, thế hệ trẻ bây giờ nhiều bạn vội mau mắn kiếm tiền hơn là tích lũy kiến thức và kinh nghiệm. Đó là một rào cản để các bạn khó trở thành một người có mục tiêu chính đáng để phấn đấu. Anh Đinh Viết Duy thừa nhận các em ngày nay được hòa nhập từ sớm, có quá nhiều mục tiêu để theo đuổi mà không xác định được mục tiêu nào quan trọng nhất nên rốt cuộc... cái gì cũng lừng chừng. Nhiều bạn đã đứng ra lập doanh nghiệp rất "hoành tráng", trở thành giám đốc ở độ tuổi còn rất trẻ nhưng tỷ lệ thành công không cao. Chị Diệu Thúy khóa 87 - 92, Giám đốc Công ty TNHH AMG đã phải trải qua những năm tháng làm nhân viên bình thường để rèn luyện bản thân nay mới "dám" làm giám đốc, giống như anh Cao Hoài Nhân với 1 "quy trình": Nhân viên - Quản lý sản xuất - Phó giám đốc - Giám đốc. "Nhưng chỉ khi nào thấy mình hội đủ năng lực thì hãy đứng ra làm ông chủ. Muốn thành công, xin đừng đốt cháy giai đoạn" - các "thế hệ đàn anh" nhắn nhủ.

Mỹ Quyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.