Nam siêu nhỏ

12/02/2010 09:37 GMT+7

(TNTT>) Anh chàng Trần Giang Nam không thể nhớ nổi mình đã làm được bao nhiêu tác phẩm siêu nhỏ, chỉ biết rằng cái mới nhất mà anh đang tập trung tâm sức vào là tượng một người ngồi bó gối chỉ lớn bằng đầu que tăm 2mm.

Chuyện Giang Nam bén duyên với việc chế tạo những tác phẩm siêu nhỏ cũng rất thú vị. Anh kể: “Trong thời gian đang làm cảnh sát cơ động, đơn vị đóng ở huyện Bình Chánh, TP.HCM, tôi nảy ra ý định tạo hình một con muỗi để tặng bạn bè chơi. Vừa xong đặt trên bàn có lẽ giống quá nên một anh bạn ghé phòng chơi đã định đập… con muỗi giả”.

Giấc mơ siêu nhỏ

Khởi đầu từ con muỗi giả, ngay sau đó, Nam chào hàng một loạt những tác phẩm khác như kiến, cánh cam, ruồi rồi đến xe đạp, xích lô, Vespa cổ hay một chàng lực sĩ “cơ bắp cuồn cuộn”, với kích cỡ chỉ bằng đầu que diêm... Giang Nam cho hay: “Sau khi rời ngành cảnh sát, tôi trúng tuyển vào ĐH Kiến trúc TP.HCM. Được đào tạo trong ngành ứng dụng nên tất nhiên là những sản phẩm của tôi luôn gắn liền với thực tế. Khi sáng tạo bất cứ tác phẩm nào tôi cũng phải tự hỏi mình rằng sáng tạo cái này để cho ai và có ích lợi gì hay không”. Sau hơn bảy năm khởi nghiệp với công việc chế tác đồ siêu nhỏ, gia tài của Nam đã có gần ba trăm sản phẩm. Hầu hết đều được anh tặng hay bán cho bạn bè, người quen ở nước ngoài. Anh cũng được sách kỷ lục Việt Nam xác lập thành tích vào năm 2007.

“Tại sao anh lại muốn thu nhỏ tất cả mọi vật?”, chúng tôi hỏi. Giang Nam kể ngay: “Lúc nhỏ, tôi mê vẽ lắm. Có lần tới xem triển lãm tác phẩm siêu nhỏ của một nghệ nhân người Nga, được chiêm ngưỡng biểu tượng tháp Eiffel ở đầu một... mũi kim, tôi bắt đầu mê đắm. Đó là động lực giúp tôi theo đuổi đam mê đặc biệt này. Thế nhưng, phải mãi đến năm 2002, giấc mơ ấy mới bắt đầu được nhen nhóm trở lại”.

Cạnh nhà Nam là một con hẻm nhỏ chuyên bán đồ điện tử phế thải, mỗi ngày người ta đều thấy bóng dáng “Nam siêu nhỏ” ở đó. Giang Nam cho biết: “Phần lớn những tác phẩm của tôi đều làm bằng đồng vì nguyên liệu này dễ cán mỏng lại bền. Bên cạnh đó, màu sắc rất dễ phối. Độ đậm nhạt của một miếng đồng tách biệt rõ hơn một vài nguyên liệu khác như sắt, chì…”. Mặc dù khá bận rộn với những giờ lên trường, đi làm thêm rồi lại đứng dạy ở một lớp mỹ thuật nhưng anh vẫn dành vài tiếng đồng hồ vào buổi sáng để sáng tác.

Vật nhỏ nhưng tiền lớn 

“Tác phẩm làm tôi tốn nhiều thời gian nhất là bức tượng người ngồi bó gối lớn chưa đầy 2mm mà tôi đang thực hiện. Hằng ngày tôi chỉ làm từ 7 giờ sáng đến 11 giờ trưa, vì ánh sáng lúc ấy là tốt nhất. Tác phẩm này tôi đã làm khoảng 3 năm nay rồi, nhưng đến bây giờ thì mới được gọi là hoàn thành sơ bộ mà thôi”, Giang Nam cho biết.

Sở dĩ thời gian sáng tác kéo dài lâu như vậy vì “tượng có kích cỡ nhỏ quá nên ngày nào có hứng thú, thấy mình đủ “can đảm” thì mới có thể bắt tay vào làm”, anh giải thích. Trung bình, mỗi tác phẩm bình thường sẽ mất khoảng 1 tuần đến 1 tháng chế tác. Do cực công là thế nên giá bán các vật lưu niệm siêu nhỏ trên phải từ 30 USD đến 3.000 USD.

Những tác phẩm do Nam chế tác đều lấy cảm hứng từ cuộc sống đời thường. Đó có thể là những vật dụng, những con vật quen thuộc... Điều khác biệt là tất cả những thứ ấy đều được chế tác với kích thước rất nhỏ được tính từng mi-li-mét. Để làm được những tác phẩm ấy, người ta phải dùng đến kính lúp hay kính hiển vi để hỗ trợ, nhưng Giang Nam đều thực hiện bằng mắt thường. “Tôi chỉ dùng kính lúp, kính hiển vi xem lại tác phẩm đã tinh xảo, giống thật hay chưa và sửa lại những chi tiết chưa hoàn hảo”, Nam cho hay.

Ở mỗi động tác, Nam đều phải nín thở để tránh rung động, gây biến dạng món đồ nhỏ li ti. Khắc chế các tác phẩm nhỏ đã khó, việc sơn phết cho các món đồ càng đòi hỏi công sức hơn gấp nhiều lần. Nam bảo anh rất ít khi dùng đến sơn mà thích dùng màu tự nhiên của nguyên vật liệu, còn đối với những thứ buộc phải tô màu thì phải dùng những chiếc “cọ đặc biệt”. Đó có thể là sợi tóc, lông mèo hay những sợi dây đồng mỏng li ti, miễn sao tương đồng với kích cỡ, tiết diện phần cần sơn. Ngoài ra, cũng phải chú ý pha màu sơn sao cho đủ loãng để khỏi bị vón cục trên món đồ và đủ sệt để thấy rõ màu. Không chỉ có thế, hầu hết các dụng cụ để làm nên một tác phẩm siêu nhỏ đều không sẵn có, nên trước mỗi bước thực hiện động tác, Nam phải tự chế ra các dụng cụ và tiên liệu giải pháp tương thích nhất.

Tác phẩm để lại cho Nam nhiều ấn tượng nhất là chiếc Vespa cổ dài khoảng 7mm phải mất gần 5 tháng ròng rã, anh mới hoàn thành. Chiếc xe siêu nhỏ này có tất cả các chi tiết của một “em” Vespa thật từ bánh xe, nan xe, cốp xe đến đèn, dây phanh... Đặc biệt hơn nữa là logo mang dòng chữ Vespa trên yếm xe, riêng biển số đã ngốn mất một tháng, còn logo thêm một tháng nữa. Giang Nam tỏ ra rất hào hứng khi kể về những tác phẩm đã hoàn thành và cả những tác phẩm không thể làm xong. Anh nói: “Ngoài đồng và vàng ra, ngày trước tôi cũng một lần sử dụng đá làm nguyên liệu để chế tác. Nhưng không thành công. Khi ấy tôi làm chàng David.  Bức tượng sắp bước vào giai đoạn hoàn thành thì bị đứt đầu. Thế là bỏ luôn cả bức tượng. Bây giờ nghĩ lại còn thấy tiếc”.

Nam nói rằng đỉnh cao trong sự nghiệp của anh là những tác phẩm gắn bó với cuộc sống thường nhật của mọi người. Đó có thể là một chiếc xe Vespa trong đời sống thành thị, một người nông dân đang thồ lúa nơi đồng ruộng, hay thậm chí là một con muỗi để nhớ về những năm tháng còn tại ngũ.

Nhà điêu khắc nổi tiếng người Anh Willard Wigan

Là một trong những nghệ nhân chuyên chế khắc những vật siêu nhỏ được cả thế giới ngưỡng mộ. Ông từng chế tác nguyên gia đình tổng thống Mỹ Obama trong... lỗ kim bé tẹo. Ngoài ra, Wigan còn tạo ra nàng Angelina Jolie, Charlie Chaplin, Marilyn Monroe và gia đình Simpsons (những nhân vật hoạt hình nổi tiếng của Mỹ) với kích thước bằng đầu đinh ghim hay tăm diêm. Điều độc đáo là ông thường ra từng động tác ngay giữa khoảng ngừng của hai nhịp tim để tránh sự rung động. Willard đã bán 72 tác phẩm siêu nhỏ cho triệu phú David Lloyd với giá 11,2 triệu bảng.

Diễm Thư - Trần Ka

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.