'Ngọn hải đăng' của sinh viên

20/09/2016 09:10 GMT+7

SAC giống như một ngọn hải đăng. Đó là cách ví von ân tình của không ít sinh viên và cả nhà hảo tâm đối với Trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM - SAC.

Lan tỏa yêu thương
20 năm ghi dấu nhiều chương trình
20 năm qua, Trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM đồng hành cùng bạn trẻ với hàng loạt hoạt động: giới thiệu việc làm, trao học bổng, quỹ tín dụng học tập, tặng xe đạp, tư vấn sức khỏe sinh sản, hỗ trợ sinh viên khó khăn về quê đón tết, ngày hội phỏng vấn - tuyển dụng, hành trang tân sinh viên, chìa khóa thành công, tư vấn hướng nghiệp... Bên cạnh đó, với sự san sẻ của các chủ nhà trọ, trung tâm đã giới thiệu 11.476 chỗ trọ giá “mềm” cho 66.421 sinh viên. Đặc biệt, chương trình Hỗ trợ thí sinh đi thi xuất phát từ trung tâm này đã được T.Ư Hội Sinh viên VN nhân rộng ra toàn quốc.
Sắp tới, Trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM tổ chức kỷ niệm 20 năm thành lập (27.9.1996 - 27.9.2016).
Là giám đốc đầu tiên của Trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM, chị Nguyễn Thị Nhung tâm tình: “Cứ mỗi lần mình đi ngang trụ sở 33 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1 là thấy nhớ những kỷ niệm. Rồi mỗi lần mình coi ti vi, thấy chương trình Tiếp sức mùa thi hoặc chương trình đưa sinh viên về quê đón tết xa nhà, trong người lại nao nao và muốn làm điều gì đó”.
Chị Nhung cho hay chị vẫn nhớ như in việc tổ chức chuyến xe đầu tiên cho sinh viên (SV) về quê ăn tết với giá rẻ vào năm 2002. Sau đó, để ý thấy những SV không có tiền về quê, phải ở lại tìm việc làm thêm, chị Nhung cùng nhân viên đứng ra thực hiện đêm văn nghệ gây quỹ, tặng vé xe miễn phí cho 100 SV khó khăn được trở về sum vầy bên gia đình.
Nhận thấy ý nghĩa nhân văn của chương trình, từ năm 2005 đến sau này, một doanh nghiệp lớn đã bền bỉ tài trợ vé xe cho hàng chục ngàn SV về quê đón tết, với quy mô mở rộng ra các tỉnh miền Trung, Hà Nội...
Nhớ lại những năm tháng hoạt động sôi nổi, chị Nhung cười tươi: “Hồi đó, cái đầu mình lúc nào cũng nghĩ đến SV. Nhờ làm cho SV nên ai cũng khen mình trẻ mãi”.
Còn đối với nhiều bạn trẻ, sau khi được trung tâm hỗ trợ, họ đã tự nguyện tiếp nối sẻ chia, giúp đỡ những lứa đàn em khó khăn như mình ngày trước. Trong số đó có hai chị em Nguyễn Thị Rơi và Nguyễn Thị Thắm, quê Bình Định, từng được nhận học bổng do Tổ chức tình nguyện quốc tế Niigata - Nhật Bản (NVC) tài trợ.
Chị Rơi bộc bạch: “Khi nhận học bổng, không chỉ là nhận được món quà vật chất giúp tôi trang trải một phần học phí, mà hơn hết, tôi đã nhận được một món quà tinh thần vô giá. Giờ đây, khi cả hai chị em đã tốt nghiệp, chúng tôi muốn chia sẻ sự may mắn của mình, cũng như truyền tải lại thông điệp yêu thương đó cho nhiều người khác, bằng cách tặng lại học bổng, trước mắt là trong 10 năm”.
Đồng hành cùng trung tâm từ năm 2008 đến nay, ông Park Jihoon, Tổng giám đốc Công ty TNHH Junglim Architecture VN, đã và đang hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí hằng tháng cho 11 bạn trẻ. Không những vậy, ông còn giải quyết việc làm cho một số SV thất nghiệp.
“Tôi muốn nói rằng SAC giống như một ngọn hải đăng. Tàu thuyền không thể tiến về phía trước, cũng không biết nơi nào để đi trong đêm tối mà không có ánh sáng. Gặp được SAC là một điều may mắn, vì SAC đã giới thiệu cho tôi những bạn SV phù hợp mà không có bất cứ sự thiên vị nào”, ông Park Jihoon nhận xét.
Thay đổi theo xu thế mới
Xác định đây là “thời kỳ kỹ năng - thời kỳ hội nhập”, trung tâm tổ chức nhiều chương trình đào tạo kỹ năng, định hướng nghề nghiệp - việc làm các bạn trẻ, như: Phỏng vấn thử - Thành công thật, Cùng bạn chọn nghề tương lai, Kỹ năng sống trong thời đại số, Chìa khóa thành công, Thực hiện ước mơ (dành cho học sinh THPT)...
Theo anh Quách Hải Đạt, Giám đốc trung tâm, nhìn chung SV ngày nay hơn hẳn các lứa SV ngày trước, nhất là năng động hơn, nhạy bén hơn. Tuy nhiên, vẫn có một số SV sống ảo, lười vận động, lười tìm hiểu, yếu và thiếu kỹ năng...

Biến vỏ xe thành chậu trồng hoa

Nhóm sinh viên tình nguyện Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM đang thực hiện công trình bảo vệ môi trường bằng cách làm bồn trồng hoa, thùng rác từ các lốp ô tô bỏ đi.
“Chính vì vậy, Hội Sinh viên TP.HCM tiếp tục giao trung tâm hoàn thiện những đề án kỹ năng thực hành xã hội và triển khai một cách mạnh mẽ nhất tới cơ sở các trường. Từ đó, làm sao định hướng được cho các bạn trẻ tiếp cận mô hình công việc thực tiễn cũng như những mô hình hoạt động xã hội, để có kinh nghiệm và kỹ năng thật sự hữu ích trong công việc và trong cuộc sống”, anh Đạt chia sẻ.
Chia sẻ về hướng đi trong chặng đường mới, anh Quách Hải Đạt nói: “Đến giờ phút này, trung tâm là một đầu tàu định hướng cho sự phát triển của các trung tâm hỗ trợ sinh viên ở hệ thống các trường ĐH. Chúng tôi xác định phải làm mới các hoạt động theo hướng công nghệ hóa, đồng thời chuyển trọng tâm về các cơ sở nhiều hơn. Mình chỉ tập trung làm những chương trình lớn”.
Đề cập đến việc vận dụng công nghệ thông tin, anh Đạt dẫn chứng: Về nhà trọ chẳng hạn, SV không phải mất thời gian trực tiếp lên trung tâm nữa. Thay vào đó, bộ phận nhà trọ tiếp nhận thông tin từ cô bác chủ nhà, tổng hợp thành bản tin trên phần mềm trực tuyến để SV chủ động lựa chọn. Tương tự, cách thức giới thiệu việc làm và một số chương trình khác cũng theo định hướng này. “Chúng ta không thể thực hiện theo kiểu cũ nữa mà phải đổi mới để theo kịp sự tiến bộ của khoa học công nghệ, đáp ứng yêu cầu của xã hội và tình hình phát triển của SV”, anh Đạt nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.