Người sĩ quan chế độ cũ trở thành Tổng phụ trách Đội

20/05/2007 22:39 GMT+7

Người đàn ông ngồi trước mặt chúng tôi có bề ngoài khá khắc khổ, trầm lặng. Thế nhưng, chẳng mấy chốc ông biến thành người sôi nổi, phấn chấn theo câu chuyện đời của ông có liên quan đến hình ảnh Bác Hồ.

Đó là ông Nguyễn Phi Long, sinh năm 1948, hiện đang là thủ quỹ trường Nguyễn Văn Tố (Q.10, TP.HCM). Ông kể: “Tôi là sĩ quan chế độ cũ làm công việc cấp phát lương từ năm 1971. Năm 1975, trong không khí cách mạng đang sôi sục khắp nơi thì bản thân tôi cũng phải đối diện với một "cuộc cách mạng" nho nhỏ nhưng cũng rất quyết liệt: Đi hay ở? Thực ra, khi chạy từ Đà Nẵng về Sài Gòn, tôi đã dần xác định con đường của mình bởi lúc đó, chỉ cần bước chân xuống tàu, cuộc đời tôi sẽ trôi sang bên bên kia bờ đại dương.  

Tôi đã vứt súng, vứt bộ đồ lính, hồi hộp chờ khoảnh khắc đất nước hoàn toàn thống nhất. Không ít bạn bè ngày trước tỏ ra khó hiểu về "tư tưởng" của tôi lúc đó. Quãng thời gian đứng bên kia chiến tuyến coi như tôi đã đi lầm "nhà", nay tôi phải trở về "mái nhà" chung. Đất nước được thống nhất, hết chiến tranh như nguyện vọng của nhiều người dân VN, trong đó có bản thân tôi, cớ gì tôi lại phải ra đi?

Sau 1975, tôi bình tĩnh đón nhận 3 năm cải tạo. Trong trại cải tạo, tôi được đọc nhiều sách về Bác Hồ, tư tưởng, sự nghiệp cách mạng và phẩm chất của Bác. Người nhà gửi lên bao nhiêu sách báo, tôi đều đọc hết. Tôi sưu tầm nhiều câu chuyện rất xúc động về Bác. Trong đó, tôi nhớ mãi câu chuyện sau: Một người dân hỏi Bác: "Sao con đường đi lên CNXH của ta có vẻ chông gai, khó khăn đến thế?". Bác Hồ hỏi lại: "Thế theo anh, con trâu mới từ dưới bùn lên thì nó có thơm tho ngay liền không?". Bác nói tiếp: "Đất nước chúng ta mới thoát thai từ xã hội cũ thì làm sao thơm tho ngay được! CNXH không phải là ngày một ngày hai mà phải kiên trì, phấn đấu lâu dài mới đạt kết quả thực sự...". Những câu chuyện giản dị, dễ hiểu về Bác Hồ như vậy đã tạo ấn tượng mạnh trong tôi.

Từ trại cải tạo ra, tôi làm đủ nghề để mưu sinh: đạp xích lô, mua bán phế liệu, ve chai... trong khoảng 8-9 năm. Thực ra, nhiều lúc tôi cũng cảm thấy nản chí bởi khó khăn dồn dập trong cuộc sống. Nếu không "thấm" những gì tôi tự học được từ cuộc đời, nhân cách của Bác Hồ, lấy đó làm nguồn sáng âm thầm tự động viên mình, có lẽ tôi đã buông xuôi tất cả. Hồi đó, tôi đăng ký đi thanh niên xung phong nhưng không được chấp nhận. Một công việc khác tôi cũng rất thích là được sinh hoạt với các em thiếu nhi.

Tuy nhiên, với lý lịch của tôi, tôi thường nhận những cái lắc đầu. Nhờ người quen giới thiệu, tôi đã được làm việc tại Nhà thiếu nhi Q.11, phụ trách các đội nhóm lứa tuổi cấp 1. Lúc gần 40 tuổi, tôi được anh Huỳnh Công Minh (Trưởng phòng Giáo dục Q.10 lúc đó, nay là Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM) bảo lãnh nên được chuyển về làm Tổng phụ trách Đội nhiều năm ở trường Diên Hồng, rồi gắn bó với trường Nguyễn Văn Tố. Sau mấy chục năm, đến nay, tôi rất vui mừng vì đã được làm công việc có ích cho đời. Vui nhất là khi thấy những em nhỏ trước đây tôi phụ trách, nay cứng cáp trưởng thành ngoài xã hội...”.

Xen giữa câu chuyện, anh Đ.Thắng, một cán bộ Đoàn bộc bạch: "Tôi vốn là đội viên do anh Nguyễn Phi Long phụ trách ngày trước. Đôi lúc tôi gặp chuyện không vui, tinh thần dao động, chính anh Long là người cho tôi những lời khuyên chân thành. Anh không nói nhiều, thường dẫn ra những ví dụ sinh động, gần gũi về Bác Hồ để chúng tôi suy ngẫm và soi rọi".

Đề cập đến cuộc vận động "Tuổi trẻ học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" của T.Ư Đoàn, ông Nguyễn Phi Long góp ý kiến: "Tôi cho rằng Đoàn thanh niên nên triển khai chương trình hành động cụ thể hơn. Đoàn có thể xoáy vào hình tượng anh Nguyễn Tất Thành với hai bàn tay trắng ra đi tìm đường cứu nước, phải làm đủ nghề từ phụ bếp, quét tuyết... để lo nghiệp lớn, chuyển đổi cả vận mệnh của dân tộc. Rồi anh tự học được rất nhiều ngoại ngữ nữa... Tôi cho rằng khi giới trẻ hiểu biết sâu sắc về anh Nguyễn Tất Thành, sẽ không thể không tự hỏi lại mình: Sao Bác Hồ lúc trẻ làm được nhiều việc lớn như vậy trong hoàn cảnh ngặt nghèo, còn những thanh niên như ta đã làm gì trong điều kiện thuận lợi ? Tại sao và tại sao?... Tự hỏi và tìm lời giải đáp. Tôi tin hiệu ứng cuộc vận động nhờ đó sẽ tăng cao!".

Chia tay chúng tôi, ông Long đọc hai câu thơ của Tố Hữu: "Bác ơi tim Bác mênh mông thế.  Ôm cả non sông, mọi kiếp người" rồi khẳng định lần nữa: "Tôi rất "mê" nhân cách của Bác Hồ. Nhờ Bác, tôi thấy mình hoàn toàn đúng đắn khi chọn lựa con đường trở về "mái nhà" của mình sau những ngày dài lạc lối".

Như Lịch (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.