Người trẻ chơi kiểng già

20/02/2015 04:00 GMT+7

(TN Xuân) Mới hơn 40 tuổi và thâm niên vào nghề chỉ 10 năm, nhưng Nguyễn Đăng Khoa đã có “số má” trong giới chơi kiểng ở miền Tây Nam bộ. Nhiều người trong nghề khẳng định vườn kiểng của anh trị giá hơn 1 triệu USD.

(TN Xuân) Mới hơn 40 tuổi và thâm niên vào nghề chỉ 10 năm, nhưng Nguyễn Đăng Khoa đã có “số má” trong giới chơi kiểng ở miền Tây Nam bộ. Nhiều người trong nghề khẳng định vườn kiểng của anh trị giá hơn 1 triệu USD.

Anh Nguyễn Đăng Khoa và cây mai chiếu thủy giá tỉ đồng - Ảnh: H.PH
Anh Nguyễn Đăng Khoa và cây mai chiếu thủy giá tỉ đồng - Ảnh: H.PH
Tọa lạc tại ấp 3B, xã Đạo Thạnh, TP.Mỹ Tho, Tiền Giang, hiện nay vườn kiểng của anh Khoa có hơn 300 cây các loại, trong đó khoảng 70 gốc thành phẩm.
“Cây đẹp trong tay người sành điệu”
Thật bất ngờ khi nghe Khoa chia sẻ: “Năm 2004, trong một lần tham quan Hội hoa xuân Tao Đàn tại TP.HCM, tình cờ thấy nhiều cây kiểng bonsai đẹp, tôi thích quá nên bắt đầu tập tành chơi kiểng. Trước tiên là tìm mua sách, tạp chí nói về nghệ thuật bonsai để đọc rồi tìm những người bạn, những đàn anh chơi trước học hỏi. Lúc đầu chủ yếu là sưu tầm dòng mai chiếu thủy, về sau thì thêm cây cần thăng, linh sam, vạn niên tùng...”.
Là giám đốc một công ty tư nhân trong lĩnh vực xây dựng điện, Khoa cho biết để tạo được vườn cây kiểng có giá trị lớn trong một thời gian không dài, nhiều lúc anh phải bỏ công việc kinh doanh, lặn lội tới An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng săn tìm kiểng... Hễ nghe ở đâu có cây độc, quý hiếm là anh tìm tới, có khi phải đi chừng vài chục lần mới tìm được cây vừa ý. Nhưng tìm được rồi chưa chắc đã mua được vì “cây đẹp thường trong tay những người chơi sành điệu, không phải ai cũng dễ bán đi”. Vậy là phải xách xe không trở về.
Khoa bảo chơi cây kiểng với anh vừa là thỏa mãn niềm đam mê, đồng thời cũng là cách để giúp cho đầu óc thư giãn, xử lý công việc kinh doanh trầm tĩnh, hiệu quả hơn.
Có một không hai
Ngoài việc sở hữu nhiều cây kiểng có tuổi đời từ năm, bảy chục hoặc trên trăm năm, khu vườn của Nguyễn Đăng Khoa còn có nhiều kiểng kiểu dáng độc nhất vô nhị. Như bộ Tam cang ngũ thường có xuất xứ từ Mỏ Cày (Bến Tre) hơn 100 năm, với dáng thế cá hóa rồng mà sau này nhiều người muốn học nhưng làm không được, vì đòi hỏi thời gian tạo dáng quá dài. Hoặc cây kiểng cổ tứ châu có nguồn gốc Gò Công cũng rất độc đáo.
Trong số hàng độc, có cây mai chiếu thủy lá trung dù cao chỉ chừng 60 cm nhưng đường kính tới hơn 70 cm, có người trả giá 1 tỉ đồng. Theo Khoa, cây này có giá trị lớn nhờ dáng thế đẹp và cả nước hiện chỉ có 3 cây, hai cây còn lại ở Vĩnh Long và An Giang. Cần thăng giờ ít người trồng, nhưng Khoa cũng sở hữu tới 5 cây. Ngoài ra, phải kể đến 2 cây khế mà Khoa khoe “được dân chơi bonsai trả giá tới 1,6 tỉ đồng” hoặc “cây me giá 700 triệu đồng”.
“Ngoài đam mê, sở thích, theo tôi còn có yếu tố thiên thời địa lợi và có duyên. Từng có những cây kiểng quý nhiều người theo rất nhiều năm để mua nhưng chủ không bán. Tình cờ khi mình tới gặp lúc người chủ đang vui vẻ nên đồng ý bán lại. Chính nhờ những cái duyên như vậy mà bộ sưu tập của mình có nhiều cây độc và quý hiếm”, Khoa chia sẻ.
Tuy bước vào “nghề chơi” chưa lâu, Khoa đã khiến các bậc lão làng phải nể, vì từ năm 2012 tới nay năm nào anh cũng có sản phẩm dự thi tại Hội hoa xuân Tao Đàn và đoạt giải cao. Như năm 2012 anh đoạt giải vàng với cây cần thăng; năm 2013 đoạt giải bạc và năm 2014 tiếp tục đoạt giải vàng cũng với cây cần thăng. Hiện anh đang chuẩn bị vài tác phẩm độc để tham dự cuộc thi quốc tế tổ chức tại TP.HCM vào giữa năm 2015.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.