Không ngại khó khăn
Gần 2 tháng nay, Đinh Thị Tiên Thi (31 tuổi) và Nguyễn Thị Thanh Nhàn (27 tuổi), làm nghề thẩm mỹ cho một công ty ở Q.10, (TP.HCM) đều dọn về nơi làm việc để ở. Công ty không thể hoạt động khi TP.HCM siết chặt lệnh giãn cách xã hội nhưng hai cô gái không ngồi yên mà tập trung làm thiện nguyện.
“Cô chủ của công ty đang sống ở nước ngoài đã trích ra 100 triệu đồng để mua rau củ quả hỗ trợ người dân gặp khó khăn vì dịch Covid-19. Chúng tôi ở đây quán xuyến hết mọi thứ", Thi chia sẻ.
Mỗi ngày, Thi và Nhàn xử lý các loại hàng hóa chuyển đến công ty. Thi phụ trách giấy tờ, sổ sách, liên lạc với người khó khăn, còn Nhàn phân loại từng loại rau củ quả vào bao. Trong những ngày đầu, hai cô gái chân yếu tay mềm kiêm luôn bốc vác hàng và tự đến từng nhà trao quà cho người dân gặp khó khăn.
|
Hai cô gái gạt sang một bên nỗi sợ dịch bệnh cùng cảnh xa nhà để làm thiện nguyện. Theo Thi, nếu những người trẻ sợ hãi, rụt rè thì ai sẽ là người hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn đó.
Còn Nhàn đã gửi 3 đứa con về quê cho ngoại chăm sóc và ở lại TP.HCM. “Buổi sáng làm việc rồi buổi tối tôi gọi cho con, nhớ lắm chứ. Có khi đêm nào cũng khóc vì nhớ con. Tôi lựa chọn xa con để ở lại thành phố giúp đỡ người dân. Chỉ hy vọng hết dịch tôi sẽ mang con vào lại để bù đắp cho nó sau khoảng thời gian xa cách này”, Nhàn chia sẻ.
Nỗ lực hỗ trợ bệnh nhân Covid-19 cách ly tại nhà
Sử dụng hết số tiền 100 triệu đồng ban đầu, Thi và Nhàn cùng lãnh đạo công ty thảo luận về việc kêu gọi mọi người quyên góp để tăng thêm số lượng lương thực hỗ trợ. Sau gần 2 tháng làm thiện nguyện, họ đã trao quà cho vài trăm hộ gia đình gặp khó khăn vì dịch Covid-19 ở TP.HCM.
Gần đây, hai cô gái còn nhận được sự hỗ trợ từ một số đội vận chuyển. Anh Trần Ngọc Hải, đại diện cho một nhóm vận chuyển, chia sẻ nhóm thiện nguyện của anh còn kết hợp với hai cô gái để hỗ trợ vận chuyển bình oxy, thuốc men và những vật dụng cá nhân cho những bệnh nhân Covid-19 cách ly tại nhà.
|
“Chúng tôi còn hỗ trợ đi mua nhu yếu phẩm cho người là F0. Có khi tôi nhận những tin nhắn, cuộc gọi của chị em phụ nữ nhờ mua băng vệ sinh. Nói là mua giúp nhưng thực chất chúng tôi tặng miễn phí. Tôi là nam giới, ban đầu cũng ngại nhưng nghĩ lại thôi mình giúp được gì thì giúp, tôi đi mua hoài cũng quen rồi”, Hải kể lại.
Ngoài ra, Hải cũng hỗ trợ những nhóm khác nhau như nhóm chuyên hỗ trợ người nước ngoài khó khăn trong dịch. Có đêm, nhóm của anh nhận được 200 yêu cầu hỗ trợ từ người nước ngoài.
Nhìn lại hành trình thiện nguyện, Thi và Nhàn không nghĩ có ngày mình lại hăng hái như vậy. Hai cô gái và Hải xem đó là cái duyên, tấm lòng gửi đến người khó khăn trong dịch bệnh. Bởi nó như gắn liền với châm ngôn của nhóm: “Khi nào trái tim còn đập là vẫn còn yêu thương”.
Bình luận (0)