Nhật Bản nỗ lực ứng phó nạn karoshi

03/06/2017 19:33 GMT+7

Chính phủ Nhật Bản đang triển khai nhiều biện pháp để ngăn chặn tình trạng làm việc quá sức ở giới trẻ.

“Karoshi” là thuật ngữ mô tả những cái chết có nguyên nhân từ làm việc quá mức. Theo BBC, tình trạng này đã được ghi nhận lần đầu tiên từ thập niên 1960 nhưng điều khiến giới hữu quan và các chuyên gia lo ngại là các nạn nhân ngày càng có xu hướng trẻ hơn. Trong quá khứ, người chết vì karoshi thường là nhân viên văn phòng từ khoảng 40 tuổi trở lên nhưng gần đây đã ghi nhận những trường hợp nạn nhân chưa tới 30 tuổi, đa phần là sinh viên vừa tốt nghiệp hoặc đi làm chưa lâu. BBC dẫn trường hợp của bà Michiyo Nishigaki ở Tokyo có con trai là nạn nhân của karoshi. Bà cho biết gia đình rất tự hào khi anh Naoya tìm được việc làm tại một trong những công ty viễn thông lớn nhất nhì ở Nhật.
Công việc rất phù hợp với sở trường của Naoya và anh lại tìm được chỗ làm ngay sau khi tốt nghiệp trong bối cảnh thị trường lao động Nhật đang rất cạnh tranh. Tuy nhiên, không lâu sau, anh thường xuyên tỏ dấu hiệu mệt mỏi, thậm chí khủng hoảng. “Nó từng kể có lần đã phải làm việc liên tục tổng cộng 37 tiếng đồng hồ, từ hôm trước đến 10 giờ đêm hôm sau”. Cuối cùng anh qua đời ở tuổi 27 do uống thuốc quá liều. Trong quá trình điều tra, nhà chức trách phát hiện Naoya từng viết trên trang cá nhân: “Tại sao phải làm việc quá nhiều như thế? Tôi kiệt sức và chán ghét mọi thứ. Tôi cố kìm nén bằng cách dùng thuốc nhưng ngày càng không còn nhiều tác dụng. Tôi nên làm gì đây?”.
Mới đây, báo chí Nhật cũng đưa tin các nhà điều tra tiêu chuẩn lao động tại Tokyo đã kết luận vụ cô Matsuri Takahashi tự sát ngày 25.12.2015 là một trường hợp karoshi. Theo tờ Nikkei Asian Review, Takahashi kết liễu đời mình ở tuổi 24, chỉ 8 tháng sau khi tốt nghiệp với tấm bằng xuất sắc và được nhận vào làm việc trong một công ty quảng cáo lớn. Luật sư đại diện gia đình nạn nhân cho hay kể từ khi cô được ký hợp đồng chính thức, khối lượng công việc tăng vọt, dẫn tới trầm cảm nặng. “Tôi thật sự muốn chết. Chúng ta làm việc để sống hay sống để làm việc?”, Takahashi viết trên Twitter. Theo giới điều tra, trong tháng 11.2015, một tháng trước khi tự sát, Takahashi phải làm việc thêm giờ đến 105 tiếng.
BBC dẫn lời chuyên gia Makoto Iwahashi cho biết làm việc quá giờ là nét truyền thống của công sở nhiều nước châu Á và áp lực càng tăng cao đối với người lao động trẻ hiện nay. Ông đang làm cố vấn cho Posse, tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn qua điện thoại cho công nhân viên trẻ ở Nhật, và phần lớn các cuộc gọi là để than phiền về công việc quá nặng.
“Nhiều bạn trẻ nghĩ họ không có lựa chọn nào khác. Nếu không chịu bỏ việc, bạn phải làm thêm 100 giờ mỗi tháng, còn xin nghỉ thì sẽ lâm vào thất nghiệp”, ông Iwahashi cho hay. Theo chuyên gia Haruki Konno, giới trẻ cắn răng bám trụ công việc vì họ được giáo dục từ nhỏ về lòng trung thành và tinh thần cống hiến cũng như tâm lý chung cho rằng người mới tốt nghiệp phải làm việc cho công ty đầu tiên ít nhất 3 năm mới được xem là đủ năng lực và kinh nghiệm. “Nếu từ bỏ công việc khi chưa đủ 3 năm, bạn sẽ rất khó tìm chỗ mới”, The Japan Times dẫn lời ông Konno nói.
“Thứ sáu vui”
Thời gian qua, chính phủ Nhật đã phát động nhiều chiến dịch để ngăn chặn karoshi. Trong đó có chương trình “Thứ sáu vui” kêu gọi doanh nghiệp cho nhân viên tan sở lúc khoảng 15 giờ vào thứ sáu cuối cùng của mỗi tháng. Hiện Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi đang nghiên cứu quy định để lao động có nhiều ngày nghỉ hơn. Ngoài ra, để bảo vệ sức khỏe tâm lý của người lao động, nhà chức trách quy định tất cả những cơ sở có từ 50 nhân viên trở lên phải thường xuyên cho kiểm tra nguy cơ căng thẳng, theo Nikkei Asian Review. Các tổ chức tư vấn cho lao động trẻ được khuyến khích và hỗ trợ hoạt động. Một số tập đoàn lớn đã hưởng ứng với các biện pháp như đặt ra những ngày không làm quá giờ trong tuần, thường xuyên phát loa thông báo kêu gọi nhân viên tan sở...
Thậm chí, chính quyền quận Toshima, thủ đô Tokyo còn quyết liệt hơn khi thí điểm thực hiện quy định các văn phòng phải tắt đèn lúc muộn nhất là 19 giờ nhằm buộc mọi người về nhà. “Chúng tôi muốn làm điều gì đó cụ thể. Không chỉ giảm giờ làm việc, chúng tôi muốn lao động có thể tận hưởng thời gian rảnh của mình. Chúng tôi muốn thay đổi toàn bộ môi trường làm việc”, quan chức địa phương Hitoshi Ueno cho BBC hay.
Theo giới chuyên gia, một trong những tiêu chí quan trọng để ngăn chặn karoshi là phải vận động thay đổi quan niệm truyền thống về làm việc cũng như giảm khối lượng công việc. “Nếu công ty tắt đèn và nhân viên mang việc về nhà tiếp tục làm thì đâu lại hoàn đấy”, một chuyên gia giấu tên nói. “Lao động trẻ không chán ghét công việc. Họ có năng lực và muốn làm tốt. Hãy tạo cơ hội để người trẻ yên tâm cống hiến mà không phải bị ảnh hưởng đến sức khỏe”, bà Nishigaki nhấn mạnh với BBC.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.