Những người trẻ giàu ý tưởng

21/09/2009 10:02 GMT+7

(TNO) Nghĩ ra những ý tưởng phục vụ cuộc sống là mơ ước của nhiều bạn trẻ, đặc biệt là sinh viên (SV). Cuộc thi Ý tưởng sáng tạo sinh viên S-ideas 2009 do trường Đại học Khoa học tự nhiên (ĐH KHTN) TP.HCM tổ chức đã phần nào khơi gợi và làm phát triển tiềm năng của nhiều bạn trẻ vốn năng động, ham học hỏi và có óc sáng tạo.

Bánh tráng trộn thời hi-tech

Bánh tráng trộn là món “khoái khẩu” của nhiều bạn trẻ hiện nay. Nhìn thấy các túi nilông vứt đầy trước các cổng trường học, gây mất mỹ quan đô thị và bụi bặm, nhóm ba SV Hồ Nhựt Linh, Nguyễn Thị Ngọc Điệp và Nguyễn Quang Trung nghĩ ra ý tưởng tạo một chiếc máy trộn bánh tráng tự động, kết hợp với bán nước giải khát, đặt trong một cửa hàng, phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường.

Nhóm SV này đã thực hiện một khảo sát trước cổng trường ĐH KHTN, ĐH Sư phạm và THPT chuyên Lê Hồng Phong TP.HCM. Kết quả cho thấy, mỗi ngày có từ 10 - 15 gánh hàng rong bán món bánh này, trung bình mỗi người bán được 250 bịch/ngày. Mỗi lần bán lại phải sử dụng đến 2 túi nilông. Như vậy, mỗi ngày có khoảng từ 5.000 - 7.000 túi nilông khó phân hủy thải ra môi

- Ý tưởng Bánh tráng trộn thời hi-tech đoạt giải Ý tưởng sáng tạo
- Ý tưởng Thiết bị quản lý thời lượng và chương trình phát sóng (VTM) đoạt giải Nhì

trường.

Chiếc máy các bạn chế tạo có thiết kế gọn, nhẹ. Sản phẩm sau khi trộn xong cho vào hộp thành phẩm làm từ giấy tái chế, có khả năng phân hủy được. Máy làm việc linh hoạt, cung cấp nguyên liệu nhiều hay ít tùy thuộc vào yêu cầu khách hàng. Dự trù kinh phí để chế tạo ra chiếc máy này là 6 triệu.

Toàn bộ quá trình hình thành và thực hiện ý tưởng chưa đến một năm, nhưng đó là cả một quá trình nỗ lực không ngừng và sự đoàn kết thống nhất ý kiến của cả ba thành viên đến từ Bến Tre. Hiện nhóm đang chờ nhà đầu tư để biến ý tưởng thành hiện thực. Đồng thời, cũng đang ấp ủ một số ý tưởng để thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học vào năm học tới.
 

Ảnh mô hình do nhân vật cung cấp

Thiết bị quản lý thời lượng và chương trình phát sóng

Xuất phát từ tuổi thơ bận rộn khi phải thay ba mẹ chăm sóc em trai nhỏ, Lê Vĩnh Nghi, học sinh lớp 11 chuyên Toán, Trường Phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM) đã nghĩ ra một thiết bị có tên TVM. Đây là một thiết bị nhỏ gọn, được gắn chặt vào tivi (nằm bên ngoài hoặc bên trong), có remote điều khiển từ xa, giúp cha mẹ quản lý được các kênh truyền hình có nội dung không phù hợp với độ tuổi của trẻ.

Quê ở Tiền Giang, mẹ là giáo viên, bận rộn với công việc suốt ngày, còn ba thì đi làm ở Biên Hòa từ khi Nghi mới 4 tuổi. Hoàn cảnh gia đình khiến Nghi phải sống tự lập từ nhỏ nên trông Nghi khá chững chạc so với các bạn đồng trang lứa. Đến TP.HCM hơn một năm, sống với ba và cậu ở một chung cư gần trường, Nghi tự nấu ăn và học tập.
 

Vị trí của thiết bị TVM - Ảnh mô hình do nhân vật cung cấp

Chỉ nhận được sự hỗ trợ và giúp đỡ của cậu về cấu tạo của tivi, Nghi đã mạnh dạn đăng ký tham gia cuộc thi chung với các anh chị SV khi đang là học sinh lớp 10, không một chút do dự. Ý tưởng của Nghi là ý tưởng duy nhất của học sinh phổ thông được lọt vào vòng chung kết.

“Ai cũng sợ rớt khi đi thi, nhưng chỉ cần có niềm đam mê, kiên trì theo đuổi ý tưởng và một chút may mắn, sẽ thành công”, Nghi chia sẻ. Với quan niệm “phóng lao phải theo lao”, mặc dù trong quá trình thực hiện các đề xuất triển khai ý tưởng, Nghi gặp rất nhiều khó khăn, đôi lúc có cảm giác “quá tải” vì phải vừa học vừa thực hiện ý tưởng. “Đôi lúc bí ý, em muốn bỏ cuộc nhưng nhờ có sự động viên của gia đình, nhất là mẹ nên em đã cố gắng hoàn thành đề tài với mức độ hoàn hảo nhất”, Nghi tâm sự.

Ban tổ chức triển khai cuộc thi với mục tiêu ban đầu nhằm tạo sân chơi cho SV nghiên cứu khoa học. Chỉ qua hai năm, ban tổ chức nhận thấy rất nhiều đề tài mang tính khả thi, có khả năng ứng dụng vào thực tế cuộc sống. Từ những ý tưởng này SV có thể thực hiện luận văn tốt nghiệp".
Nguyễn Phương Hiếu
Trưởng ban tổ chức cuộc thi

Chia sẻ lời khuyên với các bạn trẻ về việc hình thành ý tưởng trong quá trình học, Vĩnh Nghi cho biết bạn có một cuốn sổ tay nhỏ, ghi lại tất cả ý tưởng tình cờ nghĩ ra, thậm chí là ý tưởng "điên rồ" nhưng rất có thể ở một thời điểm nào đó, sẽ ứng dụng được. Nghi cũng ấp ủ hy vọng mong muốn có doanh nghiệp hỗ trợ biến ý tưởng thành hiện thực trong tương lai gần. Với công nghệ phát triển nhanh như hiện nay, Nghi dự đoán trong vòng 1, 2 năm nữa, sản phẩm TVM của mình có thể được tung ra thị trường. 
 
Mê vẽ từ nhỏ và rất thích xây nhà, Nghi mong muốn thi vào trường ĐH Kiến trúc, đồng thời Nghi cũng mê máy tính và muốn theo nghề bảo mật thông tin giống như cậu của mình. Ngoài ra, ước mơ của cậu bé tự lập này là được đi du học ở các nước có trình độ công nghệ cao.

Cẩm Thúy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.