Nỗi lòng sinh viên sư phạm

17/11/2012 03:10 GMT+7

Sinh ra ở vùng quê nghèo, gia đình lại khó khăn nên ngay từ nhỏ tôi đã có ý thức muốn thoát nghèo thì phải học.

Để thực hiện ước mơ đó, tôi đã phải cố gắng rất nhiều trong suốt hành trình dài dằng dặt mười hai năm trời. Năm lớp 12 đứng ở ngã ba đường lựa chọn ngành nghề, tôi đã quyết định thi vào ngành sư phạm. Một phần gia đình tôi không phải lo học phí, một phần không phải chạy chọt xin việc sau khi ra trường. Ngày tôi có giấy báo đậu đại học, gia đình tôi mừng đến không cầm được nước mắt. Ngày chia tay, nhìn lại ánh mắt mẹ, ánh mắt chất chứa trong đó bao kỳ vọng về tôi, tôi đã thầm hứa sẽ học thật tốt và sẽ về cống hiến cho quê hương.

Sau bao nhiêu vất vả, kham khổ, thắt lưng buộc bụng của gia đình để nuôi tôi ăn học suốt bốn năm, cùng những nỗ lực phấn đấu của bản thân, cuối cùng tôi cũng đã hoàn thành xong đại học. Trớ trêu thay niềm vui chưa kịp nở trên môi thì phải lẳng lặng nuốt nước mắt vào cái ngày cầm tấm bằng cử nhân sư phạm về quê nộp hồ sơ dự tuyển. Một quan chức ở phòng tổ chức cán bộ của sở giáo dục lời khuyên chân thành: “Thầy khuyên em nên mang hồ sơ về đi vì lượng hồ sơ tồn đọng thế kia làm sao giải quyết hết được”.

Tôi xin dạy không được nên quyết định đi nơi khác xin việc, bươn bả với nhiều nghề khác nhau để mưu sinh. Lúc có một công việc ổn định ở Sài Gòn tôi cứ ngỡ mình đã bằng lòng rẽ sang ngã khác nào ngờ tận trong sâu thẳm vẫn âm ỉ cháy lòng yêu nghề, vẫn nhớ quay quắt lũ học trò (nói ra tội nghiệp, tình thầy trò chỉ mới bén duyên trong đợt thực tập). Thế là bỏ ngang công việc, rồi trở về nộp hồ sơ lần hai ở tỉnh (lần này kèm theo một lá đơn tình nguyện dạy vùng sâu, vùng xa), rồi lại rơi vào im lặng...

Tôi xin khẳng định rằng mình có thừa lòng yêu nghề nhưng trước những bất cập trong tuyển dụng công chức ngành sư phạm của tỉnh, tôi đâm ra mệt mỏi và mất niềm tin vào lời hứa suông của các quan chức ngành giáo dục.

Bạn bè tôi ai cũng còn nhớ vị giám đốc sở giáo dục từng hứa với chúng tôi sẽ tạo điều kiện cho những sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy của tỉnh sau khi ra trường. Nhưng thực tế thì sao? Chỉ một số ít trong đó được nhận nhiệm sở. Oái oăm thay có người từng bị rớt tốt nghiệp thì được bố trí công tác ngay khi có kết quả thi lại lần hai còn người học giỏi thì bây giờ vẫn còn lơ ngơ ở ngoài.

Cao Vĩ Nhánh
(Long Phụng, xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.