Nữ sinh 9X không muốn 'làm hoa cho người ta hái'

Vũ Thơ
Vũ Thơ
27/05/2019 07:51 GMT+7

Không chỉ là cô sinh viên xinh đẹp của Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội, Nguyễn Phan Thu Trang còn nổi bật với kết quả học tập xuất sắc và nhiều cống hiến cho cộng đồng.

Tại cuộc thi Sinh viên (SV) thanh lịch của Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội vừa qua, nhiều bạn trẻ đã thán phục trước sự xinh xắn, đa tài của nữ sinh 21 tuổi Nguyễn Phan Thu Trang. Trang đã cùng lúc tham gia 3 cuộc thi về sắc đẹp, tài năng và đều vào tốp danh giá. Tốp 14 cuộc thi SV thanh lịch NEU 2019, tốp 3 cuộc thi Khởi nghiệp NEUrON 2019, tốp 5 cuộc thi Hành trình kinh doanh 2019.

Thi hoa khôi để truyền cảm hứng về bình đẳng giới

Hoa khôi hay hoa hậu bây giờ còn có thể dùng tiếng nói, sức ảnh hưởng của mình để giúp thế giới trở nên tốt đẹp hơn
Nữ sinh Nguyễn Phan Thu Trang
Trang chia sẻ, em tham gia cuộc thi SV thanh lịch NEU 2019 không phải để đoạt vương miện mà muốn có cơ hội để có thể lan tỏa những giá trị tốt đẹp cho xã hội, về bình đẳng giới, giáo dục chất lượng cho trẻ em. “Có thể nhiều người nghĩ rằng tham gia những cuộc thi về sắc đẹp như thế này để có thể nổi tiếng và rằng hoa khôi cũng chỉ là một biểu tượng, một “bình hoa di động”. Đối với em, hoa khôi hay hoa hậu bây giờ còn có thể dùng tiếng nói, sức ảnh hưởng của mình để giúp thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Ngoài ra, vẻ đẹp của họ không còn là một hình mẫu tiêu chuẩn nữa mà là cách họ truyền cảm hứng để người trẻ luôn tự tin thể hiện đam mê, cống hiến”.
Trang kể: “Ở vòng sơ khảo, khi ban giám khảo hỏi điều gì em thấy tự tin nhất, em trả lời đó là khả năng truyền cảm hứng cho người khác. Trong phần thi đó, em đã truyền tải một số thông điệp về bình đẳng giới, cũng như quan điểm sống của bản thân”.
Đặc biệt, Trang cho rằng hiện nay phụ nữ dù ở độ tuổi nào, ngành nghề gì cũng đều ít nhiều bị ảnh hưởng bởi những định kiến giới, sự phân biệt đối xử, rào cản trong sự nghiệp và đời sống. “Nguy hiểm hơn, phụ nữ và trẻ em còn đối mặt với vấn đề về an toàn mỗi khi ra đường. Xã hội vẫn còn những định kiến “làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu”; những hành động thân mật với trẻ em là “nựng”, là xuất phát từ tình yêu thương chứ không phải hành vi quấy rối tình dục… Vì vậy, thông qua cuộc thi này, em muốn truyền tải những thông điệp ý nghĩa đến với mọi người”, Trang bày tỏ.

Nhận ra ý nghĩa thật của cuộc sống


Không chỉ nỗ lực trong học tập, làm việc, nữ sinh này còn tích cực tham gia hoạt động tình nguyện vì cộng đồng.
Trang từng là người tranh biện và làm việc trực tiếp với UN Women tại VN cho diễn đàn “Đối thoại SV về bình đẳng giới và an toàn cho phụ nữ và trẻ em”; là 1 trong 3 diễn giả số đầu tiên của KIP - chương trình “hùng biện kiểu TED” của Trường ĐH Khoa học và công nghệ Hà Nội; làm hướng dẫn cho các SV năm nhất… Đặc biệt, Trang tham gia làm giáo viên tình nguyện dạy tiếng Anh 6 tuần tại miền quê Saraburi (Thái Lan) trong chương trình Global Volunteer - AIESEC. Trang chia sẻ qua những hoạt động tình nguyện đã giúp cô nhận ra ý nghĩa thật của cuộc sống.
Trang cũng cho biết, sau những cuộc thi và những thành công, em cũng nhận ra một điều ý nghĩa trong cuộc sống của mình: “Những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời không phải là những lúc em đạt được những thành tựu cá nhân mà là khi có thể đem hết những gì em có để giúp đỡ người khác”.
Điều đáng ghi nhận ở cô gái này là luôn khám phá bản thân trên mọi lĩnh vực. Trang đã vừa học, vừa tham gia đóng phim, chơi đàn piano, hát… để xóa bỏ suy nghĩ rằng “những đứa điểm cao, được học bổng toàn bọn nhạt nhẽo, chỉ biết học”. “Em muốn chứng minh và truyền thông điệp tới các bạn trẻ rằng: mỗi chúng ta luôn bị gán với những “nhãn dán” của mọi người, nhưng điều quan trọng nhất là đừng ngại ngần khám phá tìm giá trị thật, khả năng tiềm ẩn của bản thân. Hãy tự tin thể hiện đam mê, ước mơ để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình”, Trang nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.