Nữ sinh viên Việt từ chối học bổng tiến sĩ của Harvard

30/05/2017 10:36 GMT+7

Trương Vũ Yến Nhi, cựu học sinh chuyên toán Trường phổ thông Năng khiếu TP.HCM, vừa được 8 trường ĐH danh tiếng của Mỹ - trong đó có ĐH Harvard - trao học bổng học tiến sĩ, nhưng cô đã không chọn Harvard mà quyết định đi theo chuyên ngành mình đam mê.

Chọn con đường học thuật
Các trường chọn Yến Nhi để trao học bổng tiến sĩ đều nằm trong tốp 30 của chương trình đào tạo tiến sĩ toán học ở Mỹ, trong đó có tốp 3 (xếp theo thứ tự là các ĐH Princeton, Harvard và Stanford).
Chuyên ngành sâu của Nhi là lý thuyết số phân tích và cô mong muốn sẽ trở thành một giáo sư hướng vào lĩnh vực học thuật.

tin liên quan

Nữ sinh Sài Gòn mê rock giành học bổng gần 6 tỉ đồng ĐH Chicago
Trong đợt tuyển sinh sớm của trường Đại học danh tiếng Chicago (Mỹ, nơi GS Ngô Bảo Châu đang tham gia giảng dạy), Trần Nguyễn Phương Khanh (học sinh lớp 12 trường Quốc tế Canada) nộp đơn xin học bổng và xuất sắc giành học bổng toàn phần trị giá khoảng 270.000 USD (tương đương gần 6 tỉ đồng).
“ĐH Harvard tuy rất nổi tiếng nhưng hiện nay trường này không còn nhiều người giảng dạy tốt chuyên ngành tôi sẽ học sâu, nhiều giáo sư giỏi đã về hưu trong lúc trường không thuê được người mới”, Yến Nhi phân tích. ĐH Princeton và Stanford đều nổi tiếng, và quan trọng là vẫn còn đội ngũ giảng dạy tốt chuyên ngành cô sẽ học nên cô phải tìm hiểu kỹ trước khi chọn lựa. Và cuối cùng, cô đã chọn ĐH Stanford.
Cuối năm lớp 9, Yến Nhi đoạt giải nhất môn hóa kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 TP.HCM, sau đó cùng lúc đỗ thủ khoa kỳ thi vào lớp 10 Trường chuyên Lê Hồng Phong và trúng tuyển vào lớp 10 Trường phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM) vào năm 2009. Sau đó hai tháng, Yến Nhi nhận học bổng tại Trường trung học quốc tế St.Joseph's Institute ở Singapore. Cô nữ sinh mới 15 tuổi này đoạt giải môn hóa và toán học sinh toàn Singapore và cuối năm 2012 tốt nghiệp trung học ở trường này với danh hiệu học sinh xuất sắc nhất toàn trường.
Bằng những nỗ lực trong học tập và sinh hoạt cộng đồng qua nhiều năm ở bậc trung học tại TP.HCM và Singapore, tháng 9.2013, cô được nhận vào học tại ĐH Amherst (Mỹ) chuyên ngành toán, là môn học mà cô rất đam mê từ nhỏ.
Nữ sinh viên từ chối học bổng tiến sĩ của Harvard 1
Yến Nhi
Yến Nhi cũng từng là trợ lý giảng dạy môn toán cho các sinh viên của khoa toán. Trong năm học cuối ĐH, cô đã có một công trình nghiên cứu khoa học giá trị về các mô đun mô phỏng là Quantum Modular Forms được đăng tạp chí khoa học Journal of Number Theory. Đây cũng là một trong những lý do mà nhiều trường ĐH danh tiếng đồng ý cấp học bổng học tiến sĩ cho cô.
Trao đổi với chúng tôi, Yến Nhi khẳng định: "Tôi đam mê hướng nghiên cứu này vì thích được sáng tạo, thích tìm ra những kiến thức mới lạ mà chưa ai làm được". Không ít người ngán môn toán vì nghĩ rằng học môn này chỉ có ngồi làm bài tập. Còn cô thì cho rằng môn toán có những điều rất hay, nếu có được những thầy cô giỏi thì sẽ giúp ích rất nhiều cho việc phát triển cách suy nghĩ, cách lập luận logic để "giải" được rất nhiều bài toán phức tạp trên "lý thuyết" lẫn trong cuộc sống.
Đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt của ba mẹ
Yến Nhi cho biết ở ĐH Princeton hiện nay có nhiều người VN giỏi toán. “Tôi được vào trường tốp hay được giải cao thì vẫn còn kém so với mấy anh chị khác. Muốn thành công, ai cũng phải đánh đổi bằng mồ hôi và nước mắt, không phải chỉ của tôi, mà còn là của ba, mẹ và những người thân khác”, Yến Nhi nói.
Yến Nhi kể: "Tôi có được một số thành tích bước đầu trong học tập chắc chắn nhờ những người thân yêu nhất luôn lo lắng cho tôi, chịu cực khổ để con cháu được yên tâm học tập. Mẹ tôi nguyên là diễn viên xiếc từng đoạt huy chương vàng toàn quốc nhưng phải chạy ngược chạy xuôi, tần tảo nuôi tôi ăn học. Bà phải bán cơm nhiều năm, thức dậy lúc 3 - 4 giờ sáng, đến 12 giờ đêm mới được nghỉ; cả ngày quần quật làm để nuôi 2 con". Cô luôn tự nhủ: "Mẹ mình vì mình mà phải cố gắng, vì vậy tôi phải cố gắng hết sức, lúc nào cũng cứ nghĩ phải cố thêm một chút nữa!".
Còn ba của Yến Nhi là cử nhân âm nhạc. Ba cô hằng đêm đi làm nhạc công ở các nhà hàng, khu vực đó gửi xe máy đắt gấp 5 - 7 lần nơi khác nên ông phải đổi xe máy sang đi xe đạp để tiết kiệm mấy nghìn tiền gửi xe hằng đêm. “Nếu không có những tính toán chi li như vậy thì tôi khó có thể học thêm nơi này nơi nọ để lấy được học bổng đi Singapore, đừng nói tới chuyện bước chân đến Mỹ”, cô xúc động nhớ lại.
Yến Nhi tâm sự: "Nếu có cơ hội trao đổi với các bạn trẻ, tôi cũng chỉ mong muốn những người muốn bỏ cuộc, có thể được nhóm lên một tia hy vọng, rằng những cố gắng, nỗ lực của họ, nếu tiếp tục, sẽ đơm hoa kết trái".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.