Nữ xạ thủ tuổi 16

15/05/2016 08:05 GMT+7

Sở hữu trong tay 25 huy chương tại các giải đấu trong và ngoài nước chỉ trong vòng 3 năm, cô gái 16 tuổi Nguyễn Nhật Hằng đang gây nhiều ấn tượng trong làng xạ thủ VN.

Gặp Hằng trong những ngày giữa tháng 5 oi ả, Hằng cởi bộ đồ nặng hơn 10 kg trên người để tiếp chuyện chúng tôi.
“Ngày nào em cũng tập luyện từ 8 - 17 giờ 30. Rồi còn đi học văn hóa ở Trường Năng khiếu thể dục thể thao TP.HCM đến 20 giờ. Nhưng hôm nay lịch của em còn kín hơn do đang tập luyện để chuẩn bị cho giải World Cup tại Đức sắp tới”, Hằng chia sẻ.
Bén duyên bắn súng vì… tò mò
Cái tên Nguyễn Nhật Hằng được nhiều người biết đến hơn sau khi đoạt huy chương đồng tại giải vô địch bắn súng châu Á, trong bài bắn 10 m súng trường hơi nữ. Tấm huy chương này đã giúp cô trở thành xạ thủ trẻ nhất của môn bắn súng VN giành huy chương tại giải đấu cấp châu lục.
Hằng “bén duyên” với bắn súng như một “cuộc gặp” rất tình cờ. Khi đó mới học lớp 7, thời gian rảnh nhiều nên Hằng muốn tham gia học thêm một môn thể thao nào đấy, rồi vì tò mò mà tìm đến môn bắn súng. “Ai cũng nghĩ bắn súng chỉ dành cho nam. Thấy lạ, em muốn học thử xem thế nào. Nhưng càng học lại càng mê. Thế là theo đuổi đến bây giờ”, Hằng kể.
Được phát hiện trong một lần tìm kiếm tài năng ở Trường THCS Hà Huy Tập (TP.HCM) năm 2013, ngay sau đó Hằng đã phá kỷ lục nhóm tuổi khi giành huy chương vàng tại giải vô địch súng hơi thanh thiếu niên toàn quốc. Từ đó, cô bắt đầu hành trình sưu tập huy chương. Trong tổng số 25 huy chương đã đạt được hầu hết là huy chương vàng.
Điều đặc biệt là cô gái này mang trong mình 2 dòng máu Việt - Nhật. Mẹ là người Việt, bố người Nhật, Hằng sinh ra và lớn lên ở VN. Nguyễn Nhật Hằng thực ra là tên gọi mà ba mẹ đặt để dễ sử dụng ở VN, còn tên chính thức của cô là Iwaki Ai.
Môn thể thao nữ tính nhất
Vật bất ly thân của Hằng chính là cây súng trường, bộ đồ tập cùng chiếc khăn để lau mồ hôi. Những ngày trời nắng nóng như thế này, Hằng vẫn tập với cường độ cao trong bộ đồ nặng 10 kg. “Bộ đồ này sẽ giúp cố định cơ thể của mình khi tập. Vì thế lúc nào tập cũng phải mặc. Những ngày đầu mới mặc rất khó chịu vì nó quá nặng so với tuổi 13 của em lúc ấy. Dần dần rồi cũng quen, nhưng bây giờ nếu thời tiết nóng thì cũng rất khó tập luyện vì mồ hôi toát ra làm áp má bị trượt”, Hằng chia sẻ.
Bộ môn bắn súng luôn đòi hỏi thể lực rất cao. Mỗi ngày Hằng có một giờ riêng để tập thể lực. Sau mỗi ngày tập, Hằng phải thực hiện bài tập thả lỏng tay vì lúc này tay dường như đã đơ cứng. Không những thế một ngày cô phải bắn ít nhất 100 viên đạn. Những ngày cận kề thi đấu có thể lên đến 200 - 300 viên, tương đương với 300 lần nâng lên hạ xuống cây súng nặng hơn 5 kg. Giờ đôi bàn tay mềm mại của Hằng đã nhiều vết chai sần.
“Mỗi khi tập, trong đầu Hằng không suy nghĩ đến bất cứ điều gì ngoại trừ điểm 10 ngay hồng tâm bia bắn. Phải tập trung cao độ và tâm lý phải thật vững chãi. Chỉ cần suy nghĩ hay lo lắng là nhịp tim đập nhanh, ảnh hưởng đến độ chính xác của đường bắn”, Hằng nói và chia sẻ: những ngày đầu mới tập cả đội có mười mấy người, sau 2 tuần chỉ còn lại mình cô. “Ngoài sự kiên nhẫn từ người tập, còn có áp lực từ phía gia đình đè nặng. Mọi người thường không ủng hộ con gái đi học bắn súng vì cho rằng đây là bộ môn của nam giới. Nhưng Hằng thấy đây là bộ môn nữ tính nhất luôn đấy. Vì bắn súng cần có sự uyển chuyển và nhẹ nhàng, khi bắn mà gồng người quá thì sẽ ảnh hưởng đến đường đi của viên đạn”, Hằng cười.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.