Ở Sư đoàn thép

23/10/2013 03:05 GMT+7

Sư đoàn bộ binh 2 (thị trấn An Khê, Gia Lai) được mệnh danh là “Sư đoàn thép”.

Sư đoàn bộ binh 2 (thị trấn An Khê, Gia Lai) được mệnh danh là “Sư đoàn thép”.  

 Ở Sư đoàn thép
 Trong giờ huấn luyện ở thao trường - Ảnh: An Dy

Ở thời bình, Sư đoàn bộ binh 2, là đơn vị chuyên nghiệp, cơ động, với nhiệm vụ huấn luyện diễn tập và sẵn sàng chiến đấu. Theo lời của thượng tá Trương Thiên Tô, Phó chính ủy Sư đoàn 2 thì “đây thực sự là nơi để thanh niên rèn luyện và trưởng thành”.

Cũng theo lời thượng tá Trương Thiên Tô: “Thông thường, khi nghe nói chiến sĩ mà vào các đơn vị chủ lực của quân đội thì rất sợ, sợ môi trường huấn luyện khắc nghiệt, sợ chương trình rèn luyện nặng nhọc, gian khổ… Nhưng ở đây bao nhiêu năm, tôi thấy dân Khu 5 (bao gồm Tây nguyên và các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ) đều luôn sẵn lòng cho con em mình vào huấn luyện ở đây. Nhất là những gia đình có truyền thống cách mạng, với họ, vào huấn luyện ở Sư đoàn bộ binh 2 là vinh dự, là niềm tự hào”.

Trong 18 tháng thực hiện nghĩa vụ quân sự, thì trước tiên, mỗi chiến sĩ đều phải trải qua 3 tháng huấn luyện tân binh. Trong thời gian này, các chiến sĩ trẻ sẽ được học các môn chính trị, quân sự, hậu cần, kỹ thuật… Từ đây, họ bắt đầu hình thành trong mình phong cách quân nhân - trở thành những chàng trai nhanh nhẹn, rắn rỏi, sống có nguyên tắc, có kỷ luật.

Sau 3 tháng tân binh, các chiến sĩ sẽ chuyển sang huấn luyện chuyên ngành như bộ binh, phòng không, thông tin... với chương trình huấn luyện thực sự nghiêm ngặt, chuyên nghiệp và gian khổ để trở thành những người lính thực thụ.

Một ngày mới giữa thao trường, khẩu đội trưởng Mai Văn Chiến (Tiểu đoàn BB3, Trung đoàn BB1) dõng dạc, tự tin trình bày nội dung huấn luyện của mình trước các tân binh. Ít ai biết được cách đây không lâu, Chiến rất thụ động và rụt rè khi đứng trước đám đông. Nhưng từ khi bước vào môi trường huấn luyện của Sư 2, Chiến trở thành một con người khác. “Dù mới đi được hơn nửa chặng đường huấn luyện, nhưng ở đây, tôi thấy mình học được rất nhiều. Từ việc tạo cho mình phong cách quân nhân, xây dựng lập trường, tư tưởng, cho đến chế độ luyện tập, rèn thể lực, chiến thuật, bắn súng… Nếu có điều kiện, tôi sẽ tiếp tục học tập, rèn luyện và phục vụ trong quân đội”, Chiến chia sẻ.  

Lớn lên trong một gia đình buôn bán khá giả ở Phú Yên, Phạm Quốc Đạt (20 tuổi) chỉ biết đi học và lang thang chơi game cùng bạn bè, chưa biết đến lao động là gì. Vào Sư 2, một tuần đầu Đạt thấy cái gì cũng khó, nhưng rồi cũng nhanh chóng thích nghi. “Bây giờ em thấy cái gì em cũng làm được. Từ làm đất, trồng rau, bón phân cho đến chăn nuôi, cắt cỏ cho bò ăn... Ba mẹ em ở nhà chắc khó mà tin được sự thay đổi của em khi đến đây”, Đạt cười hiền lành.

“Ở đây, dù là đơn vị huấn luyện chủ lực nhưng đời sống, tâm lý chiến sĩ rất thoải mái. Từ không gian huấn luyện, sinh hoạt cho đến khu vực giải trí, vui chơi đều đáp ứng nhu cầu của các chiến sĩ. Đấy cũng là nơi mà chiến sĩ và các cấp chỉ huy đến gần nhau hơn, chia sẻ và lắng nghe tâm tư của nhau nhiều hơn, để môi trường quân ngũ hiện đại vẫn nghiêm khắc nhưng không hà khắc”, thượng úy Nguyễn Đức Thắng, trợ lý thanh niên Sư đoàn 2 nói.

An Dy 

>> Khánh thành tượng đài chiến thắng Sư đoàn 325
>> Đề nghị Sư đoàn 372 bàn giao đất mở rộng QL 1
>> Hội trại Sư đoàn 302, QK 7

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.