Phiên dịch viên trong lớp học

16/11/2009 17:33 GMT+7

Dù chưa qua một khóa sư phạm nào nhưng ngày ngày họ vẫn đứng lớp để phiên dịch, dạy các học sinh vùng cao biết mặt con chữ và dạy các em cách làm người...

Ở hai huyện vùng cao Hướng Hóa, Đakrông (Quảng Trị), họ được định danh là “nhân viên hỗ trợ giáo viên” nhưng đối với các học sinh họ gần gũi chẳng khác gì những cô giáo thực thụ....

Lắm công phu

Đã gần giờ tan lớp buổi trưa, nhưng trong lớp 1A tại trường Tiểu học xã Tà Rụt (huyện Đakrông) vẫn còn vang lên tiếng ê a của đám học sinh vừa mới đi học lại sau lũ. Hẳn nhiều người sẽ ngạc nhiên khi thấy trong lớp có đến 2 cô giáo, một cô đứng trên bục giảng nắn nót viết mẫu, còn một cô thì đứng cuối lớp nói với các em bằng tiếng bản địa.

“Cô giáo phiên dịch” của đám trẻ trong lớp học này là chị Hồ Thị Mẹc, người dân tộc Pakô. Năm học lớp 10, chị phải bỏ giữa chừng vì cảnh nhà khốn khó. Nhưng đối với dân trí của người vùng cao nơi đây, học được như chị đã là hiếm. Chị được Phòng Giáo dục huyện Đakrông hợp đồng để làm “nhân viên hỗ trợ giáo viên” từ tháng 3.2009. Và từ đó đến nay, ngày ngày chị lại cùng các em nhỏ đến trường, được chúng gọi là cô giáo.

Chúng tôi ngồi quan sát giờ dạy của 2 cô giáo từ bên ngoài, mới biết để làm được “nhân viên hỗ trợ giáo viên” cũng không ít công phu. Khi cô giáo nói với cả lớp: “Các em lấy bảng ra viết bài”, thì lập tức chị Mẹc phải đi đến từng bàn thì thầm, phiên dịch lại với các em nguyên văn rằng: “Pe bảng ì viết bài”. Vì đây là lớp 1, nhiều em chỉ biết mỗi tiếng bản địa, nên nói như chị Mẹc bọn nhỏ mới hiểu và làm theo. Ngày trước khi chưa có những nhân viên như chị Mẹc, nhiều cô giáo trẻ đã phải đỏ mặt tía tai không biết làm như thế nào, khi nói mà các em chỉ đáp lại bằng đôi mắt ngơ ngác.

Tiếng trống điểm giờ tan lớp vang lên, chị Mẹc lại nói thay lời cô giáo dặn dò các em: “Nưm chồ pổ học tù sù!” (Về nhớ học bài ở nhà!) trước khi chúng ùa ra như ong vỡ tổ.

Không chỉ là đến lớp...

Chị Hồ Thị Rổ (22 tuổi), nhân viên hỗ trợ giáo viên tại điểm trường khu vực lẻ A Đăng, thuộc trường Tiểu học Tà Rụt đã học hết lớp 12 trước khi về đây dạy dỗ các em, cái chất “thật bụng” của người vùng cao vẫn còn nguyên vẹn trong “cô giáo” trẻ khi trò chuyện cùng chúng tôi giữa sân trường buổi trưa đứng bóng. Chị nói mỗi tháng chị được trả 360.000 đồng, và phải đến lớp cùng các học sinh 5 buổi/tuần. Việc của các chị nhiều khi chẳng có tên: lúc thì vệ sinh cho các em, lúc thì phiên dịch, giải nghĩa từ hay đôi khi cũng chỉ là can ngăn và giải thích cho mấy đứa nhỏ không đánh nhau... Ở vùng đất cằn khô này, những giáo viên thuộc biên chế của ngành giáo dục đôi khi còn khổ đến trắng mặt, huống hồ các chị là những nhân viên hỗ trợ cho giáo viên.

Là người bản địa, quen biết đường đi lối lại cũng như tâm lý của người vùng cao, các chị thường được phân công đi về tận những bản xa để vận động các em đi học. Việc này đối với những giáo viên từ dưới xuôi lên là điều không hề đơn giản. “Mới cách đây mấy hôm, mình mới phải vượt suối qua bên bản Vực Leng để kêu trò Dư và trò Cường đi học lại... Cũng mệt lắm, nhưng vui cái bụng vì chúng nó đến trường lại rồi!” - chị Rổ hồ hởi kể.

Cô giáo Nguyễn Thị Anh Đào - Hiệu phó trường Tiểu học Tà Rụt tấm tắc: “Hiện nay, có trường có hợp đồng với 3 nhân viên hỗ trợ giáo viên tại 3 điểm trường lẻ. Từ khi có các chị, việc dạy và học của giáo viên và học sinh hiệu quả hơn hẳn. Các chị là cầu nối để chúng tôi mang nhiều kiến thức đến với lũ trẻ vùng cao nơi đây... Chúng tôi thực sự xem các chị như những giáo viên khác, những dịp lễ như 20.10, 20.11,  đều mời các chị về dự liên hoan nhưng trường cũng khó khăn nên không có trợ cấp gì thêm cho đời sống của các chị”.

Nguyễn Phúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.