“Sinh viên 5 tốt” là tài sản quý: Đội ngũ nhân lực tinh hoa

Hà Ánh
Hà Ánh
18/11/2018 08:27 GMT+7

Đánh giá cao về phong trào “Sinh viên 5 tốt” , lãnh đạo các trường đại học cho rằng những sinh viên đạt được danh hiệu này là “tài sản” quý giá không chỉ của trường mà cả xã hội.

Những sinh viên xuất sắc toàn diện
PGS-TS Trần Thiên Phúc, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho rằng chỉ nhìn từ các tiêu chuẩn đặt ra cho mô hình “Sinh viên 5 tốt” đã thấy được năng lực của sinh viên (SV) đạt tiêu chuẩn này. Họ phải được đánh giá bằng các thông số định lượng trên 5 phương diện: học tập - nghiên cứu, kỹ năng sống, sức khỏe - thể lực, ý thức hội nhập và tinh thần tình nguyện.
Tiêu chuẩn để đạt danh hiệu này rất có giá trị. Nếu đem so với một SV cùng tốt nghiệp loại giỏi, những SV đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” có khả năng nghiên cứu độc lập, kỹ năng làm việc nhóm và sẵn sàng đóng góp cho hoạt động bên ngoài tốt hơn rất nhiề
 
Theo PGS-TS Phúc, điều đáng nói là các tiêu chí SV được công nhận thông qua hoạt động thực tế hoặc phải được chứng nhận từ những đơn vị có chức năng. Vì vậy, SV này phải thực sự xuất sắc, có khả năng vượt trội hơn hẳn so với các bạn cùng lứa về mọi mặt. Sự vượt trội này còn bao trùm hết mọi hoạt động của một SV.
PGS-TS Vũ Đức Lung, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, khẳng định: “Danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” thật sự rất vinh dự vì chỉ có những SV phấn đấu toàn diện mới đạt được. Ở đó không dành cho những SV chỉ chú tâm vào học để đạt điểm cao mỗi năm, mà còn phải nỗ lực ở rất nhiều mặt khác như: quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế, hoạt động vì cộng đồng…”.
Thống kê sơ bộ tại Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, số SV đạt được danh hiệu này mỗi năm chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Nếu tính ở cấp trường sẽ có khoảng 100 SV trong tổng số gần 5.000 người; ở cấp ĐH quốc gia TP.HCM, con số này giảm xuống còn khoảng 50 SV; cấp TP càng thấp hơn do tiêu chí đòi hỏi ngày càng cao.
Theo TS Phan Hồng Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, phấn đấu để đạt được danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” đồng nghĩa với việc trải qua một quá trình rèn luyện, phấn đấu về các mặt: học tập, đạo đức, thể lực, tình nguyện và hội nhập trong suốt năm học. Vì vậy, những chuyển biến tích cực về các mặt trên là điều mà mỗi cá nhân tham gia phong trào này đều cảm nhận được đầu tiên.
Cũng theo ông Hải, những SV đạt được danh hiệu này đã có quá trình rèn luyện cho bản thân ý thức tự giác, chủ động trong học tập, nghiên cứu khoa học. Ở họ còn có khả năng sắp xếp thời gian hợp lý thông qua việc cân đối thời gian giữa việc học và tham gia các hoạt động xã hội. Đặc biệt là tạo dựng sự tự tin, chuyên nghiệp khi giao tiếp và sinh hoạt với mọi người, nhất là trong môi trường hội nhập quốc tế.
Doanh nghiệp săn đón khi chưa tốt nghiệp
PGS-TS Vũ Đức Lung cho biết thực tế ở Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, những SV tốt nghiệp loại khá, doanh nghiệp đưa ra mức lương 15 triệu đồng/tháng đã khó tuyển được. Trong khi SV đạt danh hiệu này đều tốt nghiệp loại giỏi thì càng được doanh nghiệp săn đón dữ dội hơn.
“Những SV này khi còn ngồi trên ghế nhà trường đã nhận được nhiều đơn đặt hàng từ các doanh nghiệp, bởi ở họ không chỉ vững chuyên môn mà còn hội đủ nhiều yếu tố cho một lao động “chuẩn” cần thiết trong thời đại ngày nay như kỹ năng sống tốt, giỏi ngoại ngữ để sẵn sàng hội nhập, thái độ sống luôn sẵn sàng cho hoạt động vì người khác”, ông Lung phân tích.
Cũng theo ông Lung: “Tiêu chuẩn để đạt danh hiệu này rất có giá trị. Nếu đem so với một SV cùng tốt nghiệp loại giỏi thì những SV đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” có khả năng nghiên cứu độc lập, kỹ năng làm việc nhóm và sẵn sàng đóng góp cho hoạt động bên ngoài tốt hơn rất nhiều”.
PGS-TS Trần Thiên Phúc cũng nhìn thấy những cơ hội lớn mở ra với các “Sinh viên 5 tốt” từ trường mình. Ông Phúc nói: “Chính vì có được những năng lực tốt như vậy trong thang đánh giá toàn diện nên cơ hội học tiếp lên bậc cao trong nước, tìm học bổng du học nước ngoài hay tham gia vào sản xuất kinh doanh đều rất tốt”.
“Các kỹ năng sống đã giúp các SV này hòa nhập tốt với mọi lựa chọn dù học tiếp, đi làm hay tự khởi nghiệp một cách hết sức dễ dàng. Các trường đại học (ĐH) nước ngoài, các doanh nghiệp tuyển dụng “Sinh viên 5 tốt” đều có phản hồi tốt về các SV, ngay cả khi có những đơn vị có thể không biết về thành tích 5 tốt của các em”, PGS-TS Phúc nhấn mạnh.
Trải qua nhiều năm triển khai thực hiện, TS Phan Hồng Hải cho biết nhiều SV bước ra từ phong trào này đã khẳng định được bản thân trước doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước bằng kiến thức, kỹ năng vững vàng. Đặc biệt, giấy chứng nhận “Sinh viên 5 tốt” các cấp đã trở thành “tấm vé thông hành” giá trị trong bộ hồ sơ xin việc.
Là hoạt động lớn của trường ĐH
Theo PGS-TS Vũ Đức Lung, “Sinh viên 5 tốt” là mô hình rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay để cung cấp cho thị trường lao động đội ngũ nhân lực có khả năng toàn diện và tinh hoa. Các tiêu chuẩn của mô hình này được thể hiện rất rõ ràng. Tuy nhiên, trong từng tiêu chuẩn cụ thể, nên chăng có những điều chỉnh cho phù hợp hơn với từng giai đoạn thực tế. Chẳng hạn, trong thời gian trước mắt có thể tăng tỷ trọng tiêu chí hội nhập quốc tế lên cao hơn so với trước đây hoặc bổ sung thêm các tiêu chí kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin…
Trong khi đó, PGS-TS Trần Thiên Phúc đề nghị đây là các SV thực sự xuất sắc, tự năng lực bản thân của các em cũng đủ bảo đảm một cơ hội nghề nghiệp tốt, một cơ hội thăng tiến tốt.
“Theo ý kiến cá nhân, không cần thiết phải tạo sự ưu tiên riêng cho nhóm SV này trong công tác tuyển dụng vì họ có lẽ cũng không cần thiết. Chúng ta chỉ nên tập trung vào việc phát hiện, bồi dưỡng và tuyên dương xứng đáng cho những SV đạt danh hiệu này ngay khi ở trên ghế nhà trường. Đặc biệt là có chính sách thu hút lực lượng xuất sắc này quay trở về phục vụ đất nước với những người tiếp tục du học nước ngoài sau bậc ĐH”, ông Phúc nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.