Sinh viên “cày cuốc” làm thêm để về quê đón tết

21/01/2018 14:26 GMT+7

Những ngày cuối năm kề cận cũng là lúc những sinh viên có quê xa, hoàn cảnh khó khăn lại tất tả “cày cuốc” để có tiền mua vé xe lẫn hành trang chuẩn bị về đón tết cùng gia đình.

Quyết tâm tết về quê phải có tiền tiêu 

Nhiều sinh viên (SV), sống tự lập từ khi bước vào giảng đường đại học, nên tiền học phí, tiền trang trải sinh hoạt đã là gánh nặng chồng chất trên vai, rồi mỗi mùa tết đến , mối lo  càng nặng thêm.

 “Quê mình ở Hà Tĩnh, nên mỗi lần tết mua vé xe về hết 1,5 triệu đồng. Giá xe thì cao ngất, mà chưa nói đến vụ mua quà bánh cho em, cho cháu. Biết chị ở xa về, tụi nhỏ ngóng, về không mua gì thì nhìn thương lắm! Rồi ăn tết xong, mua vé, mua vật dụng vào nữa, tính toán tằn tiện lắm cũng phải mất gần 5 triệu đồng. Tốn vậy nên có năm về, có năm không , xin người quen ở lại Sài Gòn đi làm mùa tết, tích góp tiền để dịp hè về”, Nguyễn Tâm, SV Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, bộc bạch.

Sinh viên làm thêm trong các tiệm nhôm kính ở làng đại học TẤN HIỆP

Thường ngày, Tâm làm thêm các công việc như giúp việc, dạy thêm. Những ngày sắp tết thì Tâm còn xin đi bán sim, thi thoảng những ngày rãnh rỗi lại đi phục vụ nhà hàng tiệc cưới. “Còn hơn tháng nữa thôi, phải cố gắng hết sức chứ không tiền đâu mà về!”, Tâm nói.

Cùng tâm trạng đó, Hồng Thắm, SV Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM, cũng đang chạy đôn chạy đáo để dành dụm tiền về quê. “Bình thường mình làm phục vụ ở quán ăn từ 4 giờ chiều đến 11 giờ đêm, nay sắp tết, lại vừa thi xong mình dự định tận dụng thời gian rảnh để xin một việc thời vụ nào đó làm để có đủ tiền về tết, không phải xin ba mẹ tiền về, tiền vô”, Thắm tâm sự.

Dù quê không xa, nhưng Như Quang, SV Trường CĐ Phát thanh - Truyền hình TP.HCM, quê Quảng Ngãi cũng đang tất bật làm thêm để có tiền về quê. Ngoài việc làm thêm ở siêu thị, nay Quang lại bươn chải làm thêm bằng các công việc phục vụ và viết bài cộng tác ở các trang mạng.

“Mình nghĩ lớn rồi phải biết làm ra tiền để trang trải cho việc chi tiêu bản thân. Tết về cũng cần mua quà cho mẹ, lì xì cho những đứa em, cho ông bà chứ. Không lẽ lớn rồi mà chờ người khác lì xì, hay thấy trẻ nhỏ mà trơ mặt ra không lì xì thì sao được. Vậy nên mình đang cố gắng để làm, quyết tâm tết về quê phải có tiền tiêu”, Quang giãi bày.

Làm từ sáng đến tận khuya

T.D, SV Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết năm nay có thể không đủ tiền về quê đón tết cùng gia đình, và bố mẹ lại khó khăn nên không dám xin xỏ. D. dự tính sẽ qua nhà một người quen xin ở lại vì phòng trọ đến tết thì chẳng có ai nên không dám ở. “Ở lại đây thì mình sẽ tham gia xuân tình nguyện và xin vào của hàng tiện lợi để làm 2 ca, có tiền trang trải việc học”, D. cho biết.

Với Trần Thị Thư, SV Trường CĐ Phát thanh - Truyền hình TP.HCM, vì lo lắng  không đủ tiền mua vé xe nên ngoài đi phục vụ ở quán trà sữa còn liên hệ những người ngoài quê nhận hàng hóa ngoài đó để bán qua mạng, kiếm được đồng nào hay đồng ấy.

Phát tờ rơi là công việc mà nhiều sinh viên lựa chọn TẤN HIỆP

Để có một cái tết đoàn viên cùng gia đình, nhiều SV có hoàn cảnh khó khăn phải làm liên tục, có lúc đêm khuya còn phải mưu sinh ngoài đường để kiếm tiền. Hồng Hạnh và Thùy Dương đều là SV Trường CĐ Công thương TP.HCM, thường xuyên thuê đồ một chú gấu để mặc và bán kẹo buổi đêm ở các quán nhậu. Có hôm hai cô gái này phải đi bán đến tận 2 giờ sáng mới về ngủ.

“Tranh thủ kiếm tiền về quê chứ năm hết tết tới rồi, không đủ tiền về quê, ở lại Sài Gòn ngày tết chắc buồn chết. Có đêm đi bộ mỏi cẳng, về chỉ ngủ được vài tiếng rồi lại lọ mọ dạy đi học. Mình tính tự lập, cảm thấy trưởng thành nên nghĩ phải vừa học vừa làm. Không muốn xin bố mẹ tiền học, lẫn về tết nữa nên mới cày vầy đây”, Dương cho biết.

Những ngày này, đường Sài Gòn luôn vang vọng tiếng nhạc xuân rộn rã, những hàng quán lập lòe sắc màu quần áo, bánh kẹo tết, khiến những người trẻ tha hương dù học tập hay làm việc tại nơi phố thị lại nao lòng, ngóng trông ngày sum họp…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.