Sinh viên chủ động 'bút chiến' với tin xấu, độc trên mạng xã hội

Anh Vũ
Anh Vũ
10/12/2018 17:57 GMT+7

Không chỉ phòng tránh thông tin tiêu cực trên internet, mạng xã hội , nhiều câu lạc bộ sinh viên chủ động "bút chiến" bằng các thông tin tích cực, xây dựng phong cách sống 4.0, hiện đại, lành mạnh trong giới trẻ.

Đó là một trong những nội dung đáng chú ý tại trung tâm thảo luận tổ số 2 với chủ đề “Vun đắp lý tưởng, đạo đức, lối sống văn hoá cho sinh viên. Vai trò, trách nhiệm của tổ chức hội” trong phiên làm việc buổi chiều 10.12, Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội sinh viên Việt Nam lần thứ X.

Phó chủ tịch Hội sinh viên Thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Linh chia sẻ, để nắm bắt tư tưởng, suy nghĩ và định hướng cho sinh viên trên địa bàn, Hội Sinh viên Thành phố Hà Nội đề cao vai trò của thủ lĩnh sinh viên các cấp, những người thường trực trong Hội Sinh viên các trường trực thuộc.

“Chúng tôi xây dựng mạng lưới chân rết tại các trường với yếu tố quan trọng đề cao vai trò người đứng đầu có tiếng nói, uy tín và tầm ảnh hưởng. Sử dụng tất cả các biện pháp để tuyên truyền, kể cả tuyên truyền miệng, để xây dựng đạo đức, lý tưởng sống cho giới trẻ”, đại biểu Linh bày tỏ quan điểm.

Trước xu hướng bùng nổ của công nghệ, internet và mạng xã hội, Phó chủ tịch Hội sinh viên Thành phố Hà Nội cho biết, đã tổ chức, kết hợp với Hội Sinh viên các trường nắm bắt những diễn đàn lớn trên mạng, theo dõi các facebooker hoạt động, ý kiến trên các fanpage… Nếu có ý kiến nào tiêu cực, lệch lạc trong tư tưởng, sẽ lập tức trao đổi lại với “thủ lĩnh” của trường đó, phối hợp với thầy cô để tiếp cận, thăm dò, giải thích, chia sẻ với các bạn sinh viên.

Với thông tin xấu, độc, đại biểu Nguyễn Mạnh Linh cho biết Hội Sinh viên Thành phố Hà Nội đã lập ra Câu lạc bộ thực hiện đấu tranh trực tuyến trên mạng. Câu lạc bộ gồm Bí thư, thủ lĩnh các trường sinh hoạt hàng tháng, thậm chí sinh hoạt thường xuyên khi có những vấn đề nóng.

“Câu lạc bộ ngoài giám sát, phòng chống tin xấu, độc, cũng sẵn sàng tổ chức "bút chiến", đưa ra các bài viết tích cực để đẩy lùi các bài viết, ý kiến bình luận tiêu cực trên mạng”, đại biểu Nguyễn Mạnh Linh nói.

Học tập tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tiếp tục thảo luận về rèn luyện đạo đức, đại biểu Lê Thị Ngọc Tuyết đến từ Cao đẳng sư phạm Sóc Trăng nêu một số giải pháp thực hiện hiệu quả học tập và làm theo tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh, như Viết sổ nhật ký làm theo lời Bác.

“Mỗi tháng, mỗi hội viên sẽ viết một câu chuyện về Bác, cảm nhận, những điều mình làm được, không làm được; những điểm mình cần phải khắc phục. Qua mô hình này có thể rèn luyện được đạo đức và phẩm chất của sinh viên sư phạm. Hy vọng sinh viên học tập và làm theo đạo đức và phong cách của Bác Hồ nhiều hơn”, đại biểu Tuyết chia sẻ.

Đại biểu Tạ Thị Thu Huyền, Phó chủ tịch Hội Sinh viên Đại học sư phạm Hà Nội, cho biết Hội Sinh viên trường Đại học sư phạm thời gian vừa qua thường xuyên vun đắp lý tưởng, đạo đức cho sinh viên thông qua hoạt động và chương trình tránh cứng nhắc, khô khan như tìm chức tìm hiểu tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua báo tường, sáng tác, vẽ tranh, kể chuyện Bác Hồ. Qua đó, góp phần đẩy mạnh hơn công tác giáo dục, xây dựng lý tưởng tốt đẹp hơn. Trường cũng tổ chức các triển lảm ảnh biển đảo quê hương, đồng hành xuân biên giới hải đảo, tham gia chương trình những cánh thư vượt sóng…

Còn theo đại biểu Nguyễn Ngọc Uyên Vy, Phó chủ tịch Hội Sinh viên Đại học Bình Dương, với đặc thù trường gồm nhiều bạn sinh viên đến từ tỉnh thành khác, nên Hội tổ chức sân chơi cuối tuần tập hợp, giao lưu chia sẻ. Các câu lạc bộ của trường gồm Câu lạc Bộ tuyên truyền pháp luật, Câu lạc bộ văn nghệ…

“Tạo ra sân chơi cuối tuần giúp các bạn có sân chơi bổ ích, tránh được các tệ nạn xã hội khác. Hội Sinh viên khuyến khích sinh hoạt liên chi đoàn, chi hội với các chủ đề lịch sử tại các địa điểm di tích để tìm hiểu văn hoá tỉnh nhà cùng giao lưu sinh hoạt”, đại biểu Nguyễn Ngọc Uyên Vy chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.