Phạm Thị Ngọc Thủy, 20 tuổi, quê ở Lâm Đồng, SV trường CĐ Giao thông vận tải III (TP.HCM), than thở với chúng tôi rằng giá bán lẻ “cái gì cũng tăng cao ngất trời”. Thủy kể liệt kê một loạt: “Cải thìa trước đây chỉ có 6.000 đồng/kg, nay đã lên 12.000 đồng; mướp trước đây 4.000 đồng/kg, nay giá lên đến 9.000 đồng; đậu que từ 12.000 đồng/kg tăng lên 18.000 đồng”.
Cùng trọ chung với chị, SV Nguyễn Chí Nghiêm, em họ Thủy, cũng nói: “Trước đây, cả phòng 4 người tụi em đi chợ có 30.000 đồng/bữa ăn, nhưng nay thì phải đến 50.000 đồng. Tụi em rất thích ăn rau mà rau lại lên giá vùn vụt, chỉ dám ăn hàng dạt, hàng dập, tuy xấu xí một chút nhưng giá cả chấp nhận được. Ngày trước, tối tối học bài đói bụng còn có mì gói để ăn nhưng nay mì gói là để dành cứu đói”.
Hôm chúng tôi đến tình cờ gặp bữa trưa của cả phòng có cà tím xào, hai con cá bạc má kho và tô canh rau dền, chưa kịp “xuýt xoa” thì Thủy giải thích: “Tụi em vừa kiếm được một khoản kha khá từ công việc bán hàng thời vụ cho siêu thị, nên phải cho cả phòng ăn một bữa đầy đủ dinh dưỡng”.
Nguyễn Ngọc Thúy, tân SV trường Đại học Khoa học tự nhiên - ĐHQG TP.HCM, thì nhớ lại những ngày vật giá còn “lặng yên” mấy tháng trước đây: “Gạo, gia vị, mì gói, các nhu yếu phẩm khác hằng tháng gia đình ở quê gửi lên nên chúng em chỉ mua đồ ăn. Mỗi ngày, chúng em đi chợ hết 20.000 đồng cho 4 người ăn/2 bữa cơm và với số tiền đó, em có thể nấu được hai bữa cơm, đôi khi vẫn còn dư chút đỉnh mua trái cây tráng miệng. Như vậy đã là quá sang so với các bạn ở cùng dãy nhà trọ. Thế nhưng, với chừng đó tiền, bây giờ đi chợ cho một bữa cũng không đủ vào đâu được”.
Do giá rau, thực phẩm và nhiều mặt hàng tiêu dùng khác đều tăng nên nhiều SV phải thông báo với bố mẹ để “tăng” khoản chu cấp. Đối với các gia đình có điều kiện thì đáp ứng được, còn không ít gia đình ở quê, khi mà tất tật mọi thứ trông vào đồng ruộng thì việc “tăng ngân sách” mỗi tháng cho con quả là một sức nặng, không thể đáp ứng nổi. Nguyễn Tiến An, SV trường ĐH Mỏ, Hà Nội, tâm sự: “Mỗi tháng bố mẹ chỉ gửi cho em 1,3 triệu đồng đã là cố gắng lắm rồi. Bây giờ giá cả phòng trọ lên, giá gạo, thực phẩm tăng, em cũng không dám xin thêm vì biết khả năng của bố mẹ là không thể”.
Khi mà giá cả đắt đỏ, đời sống kinh tế eo hẹp thường là người ta chọn giải pháp thắt lưng buộc bụng. Với SV cũng vậy, nhiều bạn bây giờ trở nên chăm chỉ hơn khi chịu khó chợ búa, bếp núc. Các bạn tăng cường “hợp tác nấu ăn” trong các phòng trọ với nhau và “thắt chặt chi tiêu” để có thể sống được hết tháng.
Nhiều SV hạn chế “ngồi đồng” nơi quán net, ít đi chơi cùng bạn gái để giảm bớt khoản “tình phí”, hạn chế la cà quán xá và ngay như thói quen “buôn dưa lê” bằng điện thoại di động cũng từ bỏ!
Tuyết Vân - Phan Hoàng
Bình luận (0)