Sống trách nhiệm

28/11/2013 03:15 GMT+7

Xã hội không chỉ có một người. Khi xuất hiện nhiều người, người ta bắt đầu phải hình thành trách nhiệm với nhau, với cái chung. Nếu mọi người ai cũng thích thể hiện cá nhân nhưng lại trốn tránh trách nhiệm cá nhân thì đó là nghịch lý không thể chấp nhận.

Xã hội không chỉ có một người. Khi xuất hiện nhiều người, người ta bắt đầu phải hình thành trách nhiệm với nhau, với cái chung. Nếu mọi người ai cũng thích thể hiện cá nhân nhưng lại trốn tránh trách nhiệm cá nhân thì đó là nghịch lý không thể chấp nhận. 

 Sống trách nhiệm
Nếu không có trách nhiệm, sẽ chẳng còn sự giúp đỡ, chẳng còn những chiến dịch tình nguyện - Ảnh: Thanh Nam

Cần có trách nhiệm ?

Giả sử nếu một ngày đẹp trời nào đó, tinh thần trách nhiệm của loài người bị mất đi, hãy hình dung một viễn cảnh của xã hội: Con người không biết mình sống để làm gì. Sống lang thang, bơ vơ, vô định. Tất nhiên, lúc đó không còn là sống mà chỉ là tồn tại. Con người sẽ vui chơi ăn uống vô độ, hủy hoại sức khỏe bản thân. Con người sẽ chây lười, chẳng làm gì để giữ gìn bản thân và phát triển bản thân. Thiếu tính trách nhiệm, con người đánh mất chính mình.

Lúc đó, cha mẹ chẳng cần nuôi con, sống chết mặc bay. Con cái cũng chẳng thèm quan tâm cha mẹ, mặc kệ đấng sinh thành. Ông bà bị bỏ rơi cho đến chết. Anh chị em thân ai nấy lo, mạnh ai nấy sống, chẳng phụ giúp gì nhau. Vợ với chồng không cần nghĩ cho nhau, chẳng cần sống chi cho tròn chữ nghĩa. Thiếu tính trách nhiệm, gia đình hoàn toàn đổ vỡ.

Ra đường cái gì của chung xem như không cần gìn giữ. Pháp luật sẽ là con số không. Chẳng còn sự giúp đỡ, chẳng còn quyên góp vì đồng bào ruột thịt, chẳng còn chiến dịch tình nguyện... Mất đi trách nhiệm, xã hội sẽ là một xã hội vô cảm. 

Vì sao ta hay thiếu trách nhiệm ?

Trách nhiệm đồng nghĩa với nguy cơ mình bị tổn thất một điều gì đó. Nếu nói dối, làm sai, gây hại... thì khi nhận trách nhiệm về mình, bạn sẽ bị tổn thất danh dự, tổn thất thời gian khắc phục, tổn thất niềm tin, mất chức, phải bồi thường hoặc chịu một hình phạt nào đó.

Không ai muốn mình bị tổn thất, vì thế nhu cầu an toàn trong mỗi con người khiến họ tìm cách trốn tránh trách nhiệm cá nhân và đùn đẩy nó cho người khác mà tốt nhất là cho tập thể. Vì tập thể sai thì có nghĩa là không ai sai cả, hoặc cái sai đó sẽ được chan đều và tất nhiên trách nhiệm của mình sẽ nhẹ đi đáng kể.

Tôi phạm luật vì ai cũng làm như thế cả, tôi không làm thì sẽ bị thua thiệt. Tôi không có mục đích sống vì chẳng ai cho tôi mục đích. Tôi bị cám dỗ vì xã hội có quá nhiều thứ xấu xa. Tôi học tệ vì thầy cô, vì tôi không đủ điều kiện. Tôi vượt đèn đỏ vì hoàn cảnh bắt buộc. Tôi xấu xa thế này là bởi gia đình...

Hãy đánh thức trách nhiệm với bản thân mình - với gia đình - với xã hội bắt đầu bằng cảm xúc xấu hổ và hành động tự nhận lỗi về mình trước khi đùn đẩy. Hiện tại, điều gì đang khiến chúng ta xấu hổ với chính mình? Điều gì khiến chúng ta hổ thẹn với gia đình và xã hội?

Không dừng lại ở đó, muốn sống tốt - sống thành công, muốn giúp đỡ gia đình, muốn cống hiến cho xã hội... không phải chỉ có tinh thần trách nhiệm cao thôi là đủ, mà còn phải tích hợp kỹ năng cần thiết thì mới trở thành một người có trách nhiệm được.

Có trách nhiệm chứ đừng trách móc. Sống trách nhiệm sẽ được bổ nhiệm. Sống vì mọi người, chúng ta mới không giống đười ươi!

Ý kiến

Từ những hành động nhỏ

Tôi nghĩ nếu muốn sống có trách nhiệm với gia đình và cộng đồng thì phải có trách nhiệm với chính bản thân mình. Không theo cái xấu, chạy theo cái được gọi là phong trào và xu hướng, biết phát triển cái đẹp... Ngay từ những hành động nhỏ như: bảo vệ môi trường, lên tiếng trước những hành vi tiêu cực, yêu thương đồng loại, cũng đã là những minh chứng cụ thể cho lối sống đầy trách nhiệm.

Nguyễn Ngọc Sơn
(sinh viên Học viện Ngoại giao Việt Nam)

Dám làm, dám chịu

Tự ý thức được việc mình làm, dám làm, dám chịu trách nhiệm về hành động của bản thân, có trách nhiệm với tất cả những lời nói của mình là sống có trách nhiệm. Bản thân tôi chưa phải là một người sống có trách nhiệm, đâu đó trong cuộc sống vẫn có những lúc bản thân chùn bước và đùn đẩy trách nhiệm. Tôi luôn cố gắng để sống tốt hơn và luôn cố gắng sống sao cho thật sự có trách nhiệm.

Huỳnh Minh Hiển
(sinh viên Trường ĐH Lạc Hồng, Đồng Nai)

Nói được làm được

Tuy mỗi người có cách nhìn khác nhau. Nhưng với tôi, sống có trách nhiệm là không phải làm người khác bận tâm vì mình. Ít nhất biết bản thân muốn gì, làm gì cho tốt đã là có trách nhiệm. Người trẻ bây giờ, theo tôi, phần lợi họ sống có trách nhiệm.

Tô Thị Tiến Trinh
(sinh viên Trường ĐH Hùng Vương, TP.HCM)

Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu
(Khoa Tâm lý giáo dục,Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)

>> Ra quân chiến dịch tình nguyện hè
>> Ra quân chiến dịch tình nguyện “Hành quân xanh”
>> Tạo điều kiện cho Đoàn tổ chức chiến dịch tình nguyện hè
>> Ra quân chiến dịch tình nguyện Hoa phượng đỏ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.