Tại sao không chia sẻ những điều tử tế?

13/03/2018 14:31 GMT+7

Trong những ngày qua, nhiều câu chuyện tử tế đã được chia sẻ trên mạng xã hội khiến nhiều người không khỏi giật mình tự hỏi "sao mình không chia sẻ những việc làm tử tế, trong khi hàng ngày mình cũng làm như vậy?".

Một bạn trẻ đã thốt lên như thế, khi xem những Clip chia sẻ của anh Trần Thế Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu công nghệ FPT. Đã nhiều ngày qua, mỗi ngày, trong hành trình lái xe của mình, anh Trần Thế Trung đều đặn làm một việc tưởng như đơn giản, nhưng vẫn chưa phổ biến ở Việt Nam, đó là nhường đường cho người đi bộ. Nụ cười vui vẻ của người đi bộ khi được nhường đường là động lực để anh kiên trì làm công việc này.
Đặc biệt, từ ngày 5.3, nhân Tháng Thanh niên năm 2018, FPT đã phát động chương trình “Tôi tử tế”, kêu gọi cộng đồng hãy chia sẻ việc tốt đã làm, từ đó lan tỏa tinh thần nhân ái trong xã hội, anh Trung đã chia sẻ Clip nhường đường của mình lên Facebook của ban tổ chức và nhận được rất nhiều sự ủng hộ của cộng đồng mạng.
Đặc biệt, để tiếp tục "hành trình tử tế”, anh Trung đã chở xe miễn phí cho những người có nhu cầu, dọc đường từ nhà tới cơ quan và ngược lại. Ngày 12.3, anh đã chính thức dán decan lên chiếc xe đi làm của mình với nội dung "Miễn phí Phương Mai - Duy Tân thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần”, để thực hiện các chuyến đi miễn phí.
Anh Trung cho biết sẽ ghé qua các trạm chờ xe buýt trên cung đường hàng ngày đi làm để có thể giúp mọi người.  “Ai nấy đều vui khi được cho đi và hạnh phúc khi nhận lại điều tử tế. Tôi mong muốn sẽ có nhiều người cùng làm việc này, để giúp đỡ được nhiều người hơn”, anh Trung chia sẻ.
Hàng ngày trên đường đi làm anh Trung sẽ chở xe miễn phí cho những người có nhu cầu Ảnh Đức Anh
Đáng chú ý, từ khi chiến dịch “Tôi tử tế” được phát động, chương trình đã lập tức nhận được sự hưởng ứng của đông đảo mọi tầng lớp trong xã hội, chứ không riêng giới trẻ. Trong số đó, có nhiều người có ảnh hưởng với nhiều người như: MC Phan Anh, ca sĩ Bảo Trâm, ban nhạc Oplus, ca sĩ Hồng Dương và các nhà báo …
Câu chuyện của anh Trung chỉ là một trong hàng trăm việc tử tế mà ban tổ chức đã nhận được từ sự chia sẻ của cộng đồng trong những ngày qua. Phần lớn các câu chuyện tử tế được chia sẻ đều bắt đầu từ những việc rất nhỏ. Một bạn gái đã quyết định không nhận quà của người yêu trong ngày 8.3 vừa qua, thay vào đó nhờ anh ấy đi cùng, chọn các món quà đáng yêu và tặng cho các phụ nữ bán hàng rong trên đường. Một nhà báo nữ đã mua ủng hộ sản phẩm của một người có hoàn cảnh đáng thương và còn đăng tìm việc giúp cô ấy.
Thậm chí, có những việc tưởng chừng rất đơn giản, nhưng khi chia sẻ lên mạng xã hội thì lại nhận được rất nhiều sự đồng cảm của xã hội như việc lấy nước giúp đồng nghiệp, nhổ tóc bạc giúp bà...
MC Phan Anh và các tuyển thủ U23 Việt Nam thả tim gây quỹ từ thiện trên đường phố ngày 11.3 Hà Nội Ảnh Đức Anh
Chia sẻ về việc phát động chương trình này, ông Bùi Quang Ngọc, Tổng giám đốc tập đoàn FPT, cho biết: “Lúc đầu, chương trình cũng nhận được một số phản hồi rằng: tại sao không viết về việc tử tế? Mà lại là “tôi tử tế”? Phải chăng người khác không tử tế? Văn hóa Việt Nam chúng ta thường ngại đề cập đến cá nhân, sợ mình nói ra sẽ bị người khác xem là khoe khoang… Nhưng ý nghĩa của chương trình lại ở sự khác biệt này, nếu mỗi người đều không ngại chia sẻ việc tốt của mình thì việc tử tế, việc tốt sẽ được nhân rộng trong xã hội”.
Ông Ngọc cũng cho biết, từ năm 2010, FPT đã chọn ngày 13.3 hàng năm là Ngày FPT vì cộng đồng, để mỗi cán bộ, công nhân viên đóng góp một phần nhỏ bé cho xã hội, bằng những hành động cụ thể; đồng thời nuôi dưỡng và lan tỏa lòng nhân ái của mỗi người đến với những hoàn cảnh khó khăn trong xã hội.
“Chúng tôi thực sự hạnh phúc khi không chỉ góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội thông qua hoạt động công nghệ, mà còn bởi sự san sẻ, làm việc thiện cho cộng đồng. Tôi tin rằng tiếp tục sẻ chia, tiếp tục chung tay làm việc tốt là cách lan tỏa niềm vui cho mọi người và cho chính bản thân mình”, ông Ngọc nói.
Cùng với lời kêu gọi chia sẻ việc làm tốt, chương trình “Tôi tử tế” còn khích lệ mỗi người tham gia bằng cách: với mỗi việc tốt được đăng trên Facebook, FPT sẽ trích 20.000 đồng từ Quỹ FPT Vì cộng đồng để xây dựng sân chơi cho các trẻ em nghèo.
Có lẽ đây là một chương trình không chỉ có ý nghĩa trong Tháng Thanh niên 2018, mà nó sẽ góp phần làm thay đổi diện mạo của mạng xã hội hiện nay. Mới đây, khi làm việc với T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư đã lo ngại đưa ra thực trạng: các bạn trẻ mỗi buổi sáng thức dậy là “like dạo” một vòng, và ít ai chia sẻ những thông tin tốt, nên mạng xã hội tràn ngập những thông tin xấu.
“Vậy phải làm sao để thông tin tích cực trở thành chủ đạo, chúng ta phải tích cực với nó”, ông Thưởng đã nói như vậy và cho rằng, cần tận dụng mạng xã hội để giáo dục tư tưởng cho giới trẻ. T.Ư Đoàn cũng cho biết, đã phát động cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp” trên các trang cá nhân, fanpage của các cấp bộ Đoàn - Hội để có thể lan truyền những thông tin tốt trên mạng xã hội.
Và đồng hành với các chương trình này, chiến dịch "Tôi tử tế" sẽ là cuộc phát động đầy ý nghĩa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.