Thanh niên 3 nước tìm giải pháp bảo vệ Mê Kông

15/03/2010 18:46 GMT+7

Từ 12 - 15.3, tại TP Bang Lung (tỉnh Ratanakiri, Campuchia), thanh niên 3 nước VN - Lào - Campuchia đã có những ngày gặp gỡ đầy ý nghĩa.

Sức hút làng thanh niên lập nghiệp

Ngay sau lễ khai mạc diễn đàn Thanh niên khu vực tam giác phát triển Campuchia -  Lào - VN, hơn 100 đại biểu đến từ 3 nước đã thảo luận chủ đề: Thanh niên và sự tham gia phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - VN (CLV). Sau khi nghe đại biểu Nguyễn Đức Tuy (Kon Tum, VN) trình bày rõ ràng, chi tiết về sự ra đời, hình thành và phát triển của mô hình Làng thanh niên lập nghiệp nơi biên giới, nhiều đại biểu đã quan tâm đặc biệt về mô hình phát triển kinh tế này và đặt nhiều câu hỏi thú vị.

Đại biểu Or Samoeun thuộc Hội Thanh niên Campuchia hỏi: “Để xây dựng một làng thanh niên lập nghiệp cần bao nhiêu tiền? Ở VN, lấy nguồn vốn ở đâu để xây dựng? Rồi mức thu nhập của người lao động ở làng thanh niên ra sao?”. Còn đại biểu Vanhna Douang Phachanh (Lào) bộc bạch: “Chúng tôi chưa có mô hình này. Phần lớn thanh niên Lào ở vùng sâu, vùng xa, đặc biệt ở khu vực thuộc CLV khi lớn lên đều tha phương cầu thực. Tôi rất mong các bạn VN chia sẻ kinh nghiệm để chúng tôi áp dụng ở Lào”.

Đoàn VN đã giải đáp rằng việc xây dựng Làng thanh niên lập nghiệp nơi biên giới là để tạo công ăn việc làm cho thanh niên, xây dựng diện mạo mới cho khu vực biên giới, đồng thời cũng đảm bảo an ninh quốc phòng...; còn nguồn vốn xây dựng chủ yếu được hỗ trợ từ Chính phủ. Đại biểu Alounxa Sounnalath (Lào) phát biểu: “Tôi đã có dịp đi qua những vùng có làng thanh niên lập nghiệp của VN. Ở đó, tôi thấy điều kiện sống rất phù hợp, rất tốt... Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ xin ý kiến Chính phủ để làm những làng này ở khu vực CLV, nhất định chúng tôi sẽ nhờ các bạn VN giúp đỡ...”.

Đại biểu Phan So Kim (Campuchia) tiếp tục nêu thắc mắc: “Các bạn VN làm làng thanh niên lập nghiệp có lãi không? Chủ yếu làm giàu cho ai? Cá nhân hay tập thể?”. Đại diện đoàn VN trả lời ngay: Mục đích chính khi xây dựng làng thanh niên lập nghiệp là tạo công ăn, việc làm cho thanh niên, giúp họ làm giàu. Khi kinh tế gia đình phát triển, tức kinh tế xã hội cũng phát triển. Đến nay, VN đã xây dựng trên phạm vi cả nước nhiều làng thanh niên lập nghiệp và tất cả đều phát triển tốt...

 
Đại biểu VN Nguyễn Đức Tuy trình bày mô hình Làng thanh niên lập nghiệp trên biên giới

Mê Kông là dòng sông chung

Chủ đề: “Củng cố năng lực thanh niên trong công tác bảo vệ môi trường của các tỉnh thuộc khu vực CLV” cũng được các đại biểu thảo luận sôi nổi và đưa ra nhiều giải pháp. Đại biểu Vanhna Douang Phachanh nhận định: Với sự phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật thì môi trường cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Nhiều thảm họa như động đất, sóng thần, bão lũ... xảy ra ngày càng nhiều trên thế giới và khu vực CLV cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Ở Lào, hiện tượng thiếu nước xảy ra ngày càng nhiều. Dòng sông Mê Kông đang ngày càng cạn kiệt. Đáng chú ý là năm nay, nguồn nước cạn kiệt chưa từng có trong lịch sử, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khu vực nơi dòng sông đi qua. Do đó, thanh niên 3 nước khu vực CLV cần phải nỗ lực hơn nữa để tìm nguyên nhân và giải pháp khắc phục. Cần làm cho nhiều nước hiểu rằng, Mê Kông là dòng sông chung nên ai cũng phải có trách nhiệm bảo vệ và hưởng thụ một cách công bằng.

Đại biểu  Vong Sovatđi (Campuchia) cho rằng: Việc khai thác, chặt phá rừng vô tội vạ ở mỗi nước cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Thanh niên ở mỗi nước cần phải đi đầu trong việc bảo vệ rừng, tuyên truyền giáo dục cho người dân ý thức bảo vệ môi trường sống; coi việc chặt phá rừng trái phép là một tội ác, là nguồn gốc gây ra nhiều thảm họa mà chính con người phải trả giá... Còn đại biểu Nguyễn Thị Lý (Đắk Lắk, VN) đề xuất: Thanh niên không thể đứng ngoài việc bảo vệ môi trường sống. Bên cạnh những hoạt động tuyên truyền giáo dục, còn phải có những chương trình hành động cụ thể, những hoạt động thực tiễn. “Tháng 3 này ở VN gọi là Tháng thanh niên - thanh niên cùng hành động vì môi trường. Từ trung ương đến cơ sở, thanh niên bằng những việc làm thiết thực của mình cùng góp sức người, sức của và trí tuệ để bảo vệ môi trường sống của cộng đồng...”, đại biểu Lý nói.

Tấn Tú
(từ Ratanakiri, Campuchia)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.