Thường thức & Chia sẻ: Lời chê

21/10/2018 16:13 GMT+7

Ngày mới về trường, tôi được thầy Nam hướng dẫn tập sự. Nghe đồng nghiệp nói thầy dạy giỏi và rất có uy tín, được thầy dìu dắt là một may mắn cho tôi. Nhưng lúc đó tôi nghĩ mình xui xẻo nên mới gặp thầy.

Là một sinh viên tốt nghiệp loại giỏi nhưng thầy không đánh giá cao khả năng của tôi. Sau mỗi tiết dạy, thầy góp ý rất nhiều, phần lớn là lời chê khá nặng nề, không hề có lời khen dù chỉ động viên. Thầy luôn nhắc tôi, quên cái bằng giỏi và mấy cái giấy khen đi, dạy thực sự trên lớp cần có kiến thức chuyên môn lẫn kinh nghiệm. Không ai đánh giá giáo viên chính xác bằng học sinh, dạy thế nào cho thu hút, cả lớp hiểu bài mới là thành công của tiết dạy. Quả thật, tôi rất chán nản, không biết làm sao để vừa ý thầy. Nhiều lúc, tôi nghĩ có thể thầy ghét tôi nên mới chê như thế. Nhưng phải thừa nhận, sau những lần góp ý, tôi tiến bộ rất nhiều trong giảng dạy. Vả lại, mỗi lần nghe thầy chê, tôi lại quyết tâm hơn để chứng minh cho thầy thấy tôi không kém cỏi.
Kết thúc thời gian tập sự, tôi nghĩ mình không thể đạt kết quả tốt. Vậy mà, trong buổi họp xét tập sự, thầy toàn nêu ra các ưu điểm, khen tôi hết lời trái ngược hẳn những lần góp ý riêng. Tôi hết sức bất ngờ. Sau buổi đó, thầy còn nói riêng với tôi: “Em còn phải cố gắng học hỏi nhiều nữa”. Nhưng lần này, tôi không thấy buồn vì đã hiểu tấm lòng của thầy.
Bình thường, chúng ta không thích người chê mình nhưng hãy biết cân nhắc đâu là lời chê ác ý để bỏ qua và đâu là lời chê thiện ý để tiếp thu. Như Tuân Tử từng viết: “Người chê ta mà chê phải là thầy ta...”. Quả vậy, một lời chê đúng, phù hợp với hoàn cảnh có giá trị gấp ngàn lần lời khen giả dối. Bởi nó giúp ta nhận ra cái sai để sửa và tiến bộ hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.