Anh Nguyễn Đăng Khoa, 35 tuổi, trú đường Phạm Thế Hiển, quận 8, TP.HCM bồi hồi: “Tôi nhớ một thời ngồi đọc 'cọp' tiểu thuyết của nhà văn Kim Dung trong nhà sách suốt nhiều ngày liền. Tôi còn nhớ sau này học báo chí, môn phóng sự có bài tập là 'Hãy viết về một người có ảnh hưởng đến tính cách của bạn', tôi viết về Lệnh Hồ Xung. Đó là bài duy nhất thầy không nhận trong 51 bài viết của lớp. Thầy đề nghị tôi viết lại nhưng tôi xin phép không viết nữa vì đó là cảm nhận cá nhân mình”.
Chị Nguyễn Ngọc Lan Chi, 33 tuổi, trú quận 10, TP.HCM, cho hay mình đọc tiểu thuyết Kim Dung từ năm học lớp 8, mặc dù cha không ủng hộ nhưng ông cũng biết con gái đã mê gì thì khó mà từ bỏ.
“Có những đợt gần thi học kỳ, tối tối tôi cứ đi ra đi vào, vừa ra khỏi cửa là ba chân bốn cẳng chạy qua tiệm cho thuê truyện trong chung cư ở phía sau nhà mang về từ Thiên long bát bộ, Tiếu ngạo giang hồ đến Cô gái đồ long, Lộc đỉnh ký… Thời điểm đó, truyện Kim Dung giống như sự nghiệp đọc kiếm hiệp của tôi. Sách tôi thuê lại toàn là bản in lậu từ các bản dịch thời trước 1975, cuốn nào cuốn nấy cũ xì, giấy vàng khè, chữ khi thì in đậm quá, bị nhòe, khi thì mờ quá đọc không ra. Có lúc đang đọc đến đoạn hấp dẫn thì… mất vài trang, tức lắm... Sách tôi thuê do hai ông là Hàn Giang Nhạn, Tiền Phong Từ Khánh Phụng dịch - những bản dịch được 'giang hồ' đánh giá là tuyệt đỉnh. Tôi lấm lét thuê truyện rồi thậm thụt nhét truyện vào xấp báo đủ loại vẫn dành đọc hằng tuần, tới tối đợi ba má ngủ rồi mới dám bật đèn đầu giường, chỉnh cái chụp đèn sao cho ánh sáng tỏa ra hẹp nhất có thể để đọc. Cho đến bây giờ, tôi vẫn nhớ mãi cái mùi mốc mốc của những cuốn truyện cũ đã qua tay không biết bao nhiêu người ngày qua ngày, sao nó nên thân thuộc đến thế”, chị Lan Chi hồi tưởng.
Chị Đỗ Thu Trang, 27 tuổi, cựu sinh viên Trường ĐH Phương Đông, nhớ lại: “Tôi bắt đầu đọc tiểu thuyết của Kim Dung năm lớp 7, sau đó mê lúc nào không hay. Suốt hai năm đầu tiên đại học, tôi mượn về nhà từng chồng sách lớn của Kim Dung về để đầu giường, mỗi sáng sáng pha ly cà phê hay ca cao rồi ung dung ngồi đọc sách, ngẫm nghĩ. Đó là những năm tháng nhàn nhã, mộng mơ nhất. Sau này đi làm, lấy chồng, sinh con, tôi nhiều lần ước mơ trở lại quãng thời gian ấy”.
Trong khi đó, vẹn nguyên cảm giác tiếc thương một nhà văn lỗi lạc như Kim Dung, Trần Phương Giang, 29 tuổi, đang làm việc tại tòa nhà Vietcombank, đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, TP.HCM bồi hồi ghi trên trang cá nhân những dòng văn của nhà văn Vũ Đức Sao Biển: “Khi cầm một tác phẩm Kim Dung lên, đọc mấy chương đầu, ta bỗng nghe lòng thư thái, nhẹ tênh... Đó là gì? Đó chính là sự giải thoát, là tâm trạng cảm thấy mình đang được tiếp cận với tự do dù trong giây phút ngắn ngủi của đời người" (trích trong cuốn Kim Dung giữa đời tôi).
|
Với anh Nguyễn Thái Sơn, 42 tuổi, cựu nhân viên Công ty truyền thông Hoa Mặt Trời (TP.HCM), Thần điêu đại hiệp là cuốn tiểu thuyết của Kim Dung mà anh thích nhất. Anh Sơn chưa thể quên được lần đầu tiên anh làm quen với tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung, đó là năm anh lên 8 tuổi.
“Đó là một cuốn truyện tranh nhan đề Anh hùng xạ điêu. Vì xem truyện tranh nên nhân vật để lại nhiều ấn tượng sâu sắc là Kha Trấn Ác, lão đại của Giang Nam Thất Quái. Tôi còn nhớ, mỗi khi vị sư phụ của Quách Tĩnh xuất hiện là kèm theo một con báo đen. Vả lại, do hình tượng được khắc họa qua tranh vẽ, nên nhìn nhân vật Kha Trấn Ác rất ngầu. Tuy nhiên, sau này tôi vỡ ra, đây là nhóm có võ công thuộc hàng thấp nhất võ lâm thời ấy. Đây cũng là ấn tượng mà xuyên suốt nhiều năm trời khi đọc tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung: Nhân vật uy phong xuất hiện đầu tiên, trái lại là cao thủ thuộc hàng xoàng nhất”, anh Sơn chia sẻ.
“Thứ mà tôi phải ngã mũ bái phục là Kim Dung áp vào rất nhiều tính triết học, cũng như đưa vào những tư tưởng đạo, đạo trà, rượu, cầm kỳ thi họa. Đỉnh cao là xuất hiện cả "đạo chửi" (Đào Cốc Lục Tiên trong Tiếu ngạo giang hồ) hay đồ đệ của Đinh Xuân Thu - chưởng môn của phái Tinh Túc, một nhánh của phái Tiêu Dao”, người hâm mộ Kim Dung từ thuở niên thiếu cho hay...
Bình luận (0)