Tổ diệt chuột chuyên nghiệp

12/03/2012 04:32 GMT+7

Một nhóm nông dân đã cùng nhau lập ra tổ diệt chuột, giúp toàn bộ diện tích lúa và hoa màu trong thôn thoát khỏi nạn chuột phá hoại.

Một nhóm nông dân đã cùng nhau lập ra tổ diệt chuột giúp toàn bộ diện tích lúa và hoa màu trong thôn thoát khỏi nạn chuột phá hoại.

Cũng vào thời vụ này cách đây hơn chục năm, khi hơn 170 mẫu ruộng trên các cánh đồng của thôn Trà Lâm, xã Hiệp Cường, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên đã gieo trồng xong thì cũng là lúc bà con nông dân đua nhau mua thuốc diệt chuột rải khắp cánh đồng. Nhưng đến khi thu hoạch, năng suất lúa và hoa màu vẫn thường xuyên đạt thấp.

Năm 2002, chính quyền thôn và bà con đã bàn bạc và thống nhất phải thành lập tổ diệt chuột để bảo vệ đồng ruộng và hoa màu. Tổ diệt chuột này gồm 6 thành viên, người nhiều tuổi nhất đã gần 60, người ít cũng đã ngoài 40, vừa có trách nhiệm diệt chuột thường xuyên quanh năm, đồng thời làm nhiệm vụ bảo vệ ruộng đồng cũng như công tác nông giang của thôn. Xã viên thống nhất năm đầu tiên trả cho tổ mỗi sào 6 kg thóc/năm (4 kg công tác diệt chuột và 2 kg cho các công việc còn lại).

Anh Phạm Văn Tuấn một thành viên trong tổ chia sẻ: “Đối với anh em chúng tôi thì việc diệt chuột không chỉ là bảo vệ đồng ruộng của bà con nông dân trong thôn mà còn góp phần chăm nom cho chính những thửa ruộng của gia đình nhà mình. Không chỉ khi nào bước vào đầu mùa vụ hay khi hoa màu bị chuột cắn nhiều thì anh em mới hoạt động mà trong suốt hơn mười năm chúng tôi làm việc này thường xuyên. Thường thì vào đầu các mùa vụ khi đổ ải thì anh em đi bắt bốn năm ngày liền cả ngày lẫn đêm còn trung bình cứ ba ngày tổ lại đi một lần”.

Dụng cụ để diệt chuột rất đơn giản: chỉ một cái thuổng, hai cái xẻng và một chiếc xô. Ban ngày thì đào hang đổ nước, hun khói, dùng chó để săn chuột, ban đêm thì dùng đèn pin để soi và vụt chuột. Biện pháp thủ công nhưng hiệu quả đem lại rất cao, có ngày diệt tới gần 20 kg chủ yếu là chuột đồng, chuột đất, trung bình khoảng hơn 2 kg mỗi ngày. Chuột diệt được dùng làm thức ăn cho kỳ đà và cá.

Để thuận tiện cho săn bắt, tổ diệt chuột huấn luyện được 3 chú chó chuyên phát hiện và săn chuột. “Ban đầu khi mới thành lập tổ anh Tuấn đã lên tận đồn biên phòng Hà Giang tìm mua một chú chó đã được huấn luyện. Những chú chó còn lại được lựa chọn từ những con tinh nhanh nhất trong số những con sinh ra ” anh Trịnh Văn Giàu phó thôn kiêm tổ trưởng tổ diệt chuột cho hay.

“Tổ không chỉ bám trụ lấy đồng ruộng, tìm khắp các hang cùng ngõ hẻm để tiêu diệt loài gậm nhấm nguy hại này mà còn phát quang bụi rậm, khơi thông mương nước cho bà con nông dân”, một người dân trong thôn cho biết thêm.

Cứ sau mỗi mùa vụ, lãnh đạo thôn lại họp tổ diệt chuột và bà con nhân dân để đánh giá, đồng thời ký cam kết nếu để chuột phá hoại cây trồng của bà con nhân dân thì tổ diệt chuột có trách nhiệm đền bù thiệt hại. Mặc dù  phần lớn giống lúa của thôn là lúa chất lượng cao, được gieo sạ hoặc cấy bằng mạ non rất dễ bị chuột cắn nhưng chưa năm nào tổ phải đền bù cho bà con.

Hiệu quả của mô hình không nhỏ: bình quân năng suất của thôn khoảng 2,3 tới 2,5 tạ/sào. Thôn Trà Lâm luôn đi đầu trong phong trào sản xuất nông nghiệp, dù trước năm 2002 toàn thôn thất thu cả chiêm lẫn mùa. Do số lượng chuột giảm đi nhiều nên hiện nay tổ diệt chuột của thôn Trà Lâm chỉ còn nhận của bà con trong thôn 3 kg thóc mỗi sào cho công việc hữu ích của mình.

Ông Trịnh Tất Thùy, trưởng thôn bày tỏ: “Nhiều địa phương lân cận cũng đã học tập, áp dụng mô hình này nhưng không đem lại hiệu quả nên chỉ hoạt động cầm chừng vài ba năm rồi thôi. Giá như mà các thôn cùng làm thì hiệu quả kinh tế còn tăng lên rất nhiều”.

Lê Miền

>> Mưa lớn đầu mùa tại Kon Tum
>> Chủ tịch nước đi cày tại lễ hội Tịch điền
>> Mối đe dọa từ thực phẩm nhuộm màu
>> Để có thực phẩm sạch
>> Đứng giống vì lạnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.