Nay mở, mai đóng cửa
Dọc theo những con đường dẫn vào các trường ĐH-CĐ, hàng loạt TTVL mở cửa san sát nhau với những tấm biển khá bắt mắt: “Tuyển ngay”, “Tuyển gấp”. Chưa cần biết có kiếm được việc hay không, chỉ cần bước qua cánh cửa, điền vào tờ Sơ yếu lý lịch (SYLL) có sẵn, “người tìm việc” đã phải thanh toán ngay một số tiền không nhỏ, và nhận lại một bản hợp đồng với những câu chữ... mập mờ. Đối tượng này thường là các sinh viên năm nhất "ngây thơ" và khao khát kiếm được việc làm ngay.
"Thủ tục" mở một TTVL khá đơn giản. “Chỉ cần thuê địa điểm, một vài bàn ghế và hai tấm bảng treo ngoài cửa, thêm hai nhân viên tiếp khách kiêm nhiệm vụ đọc và ghi chép lại các địa chỉ tuyển dụng trên mạng, trên báo... Vậy là có một “mô hình” TTVL”, tiết lộ của một cựu giám đốc TTVL.
"Thành lập" đã nhanh, "giải thể" còn chớp nhoáng hơn! “Theo như thỏa thuận, tuần này đến nộp tiền, tuần sau đến nhận việc. Nhưng tuần sau thì cái TTVL ấy chỉ còn là một căn nhà cửa đóng im ỉm, có khi còn có thêm tấm bảng “Cho thuê văn phòng” nữa", Thảo - một cựu sinh viên dày dạn kinh nghiệm tìm việc qua trung tâm kể.
Các chiêu lừa đảo... muôn năm cũ!
Ngày 17.9, Sơn (sinh viên năm nhất Học viện Ngân Hàng) đến TTVL 22 Lương Thế Vinh, Hà Nội tìm việc (gia sư - PV). Nhân viên trung tâm hướng dẫn Sơn điền vào hồ sơ và thu 35.000 đồng phí giao dịch (lần 1 - PV). Sau đó, Sơn tiếp tục nộp 200.000 đồng trước khi được dẫn đi gặp gia đình tuyển người.
Việc thu tiền không hề có biên lai, hoá đơn, mà chỉ có một “Bản cam kết thoả thuận lao động” không có đóng dấu, chỉ với duy nhất một chữ ký không ghi đầy đủ tên của một “nhân viên trung tâm”. Trong đó ghi: “Trước khi gặp người sử dụng lao động, bên B (Sơn - PV) có trách nhiệm đóng cho bên A khoản lệ phí giao dịch (lần 2 - PV) là 50.000 đồng (chỉ thu một lần không hoàn lại) trong tổng số tiền là 200.000 đồng”.
Thắc mắc về số tiền 35.000 đồng phí giao dịch (lần 1), Sơn được giải thích: “Đây là cam kết chung cho tất cả các công việc. Những công việc khác phí giao dịch là 50.000 đồng, còn đối với công việc gia sư của em chỉ phải nộp 35.000 đồng”. (Sơn kể lại).
Tuy nhiên sau khi nộp tiền, Sơn vẫn chưa được nhận việc, với lý do: Gia đình thuê gia sư yêu cầu Sơn phải nộp 1 bộ hồ sơ đầy đủ giấy tờ có dấu công chứng (rất ít cơ quan khi tuyển người đưa ra yêu cầu này). Oái oăm hơn, hạn chót để hoàn thành tất cả giấy tờ này là ngay ngày hôm sau. Tất nhiên, điều ai cũng biết là Sơn sẽ không thể xin được bấy nhiêu con dấu trong một ngày.
Trước đó, Sơn không hề được nhắc nhở gì về yêu cầu của người sử dụng lao động. Giải thích về điều này, nhân viên khăng khăng: “Chúng tôi không thể biết trước được yêu cầu của bên tuyển dụng, bởi vì mỗi người có một yêu cầu khác nhau”.
Mệt mỏi vì phải đi lại nhiều lần, "có buổi họ hẹn buổi chiều, em phải bỏ học để đến", Sơn kể, Sơn đã yêu cầu TTVL hoàn lại tiền. Người của TTVL hẹn Sơn đến gặp Giám đốc trung tâm hết lần này đến lần khác, bởi: “Chúng tôi chỉ là nhân viên, không thể giải quyết được”. Hỏi tên vị Giám đốc trung tâm, nhân viên này nói: "Tôi chỉ là nhân viên mới vào nên không biết", đồng thời cũng không cho biết tên của mình. Điều duy nhất nhân viên này cho biết là: Sơn chỉ rút lại được 150.000 đồng, còn khoản 50.000 đồng phí giao dịch (lần 2) đã được ghi rõ trong bản cam kết là “không hoàn lại”.
|
Nhân viên TTVL này bào chữa: “Số tiền 35.000 đồng nộp trước đó và không ghi trong bản cam kết được giải thích là “tiền xăng, điện thoại và 5.000 đồng phí 1 bộ hồ sơ Sơn đã điền, khác với phí giao dịch ghi trong bản cam kết”. Như vậy, Sơn đã phải nộp tới 3 khoản phí để tìm một công việc gia sư, lương 50.000 đồng/buổi, chưa kể công sức, thời gian cho gần chục lần đi lại.
Việc làm chưa thấy, nhưng chỉ sau khi bước qua cánh cửa trung tâm, những người tìm việc như Sơn đã mất trắng 85.000 đồng, vì những câu chữ mập mờ trong bản cam kết. Chiêu “hành” người lao động bằng những đòi hỏi thủ tục lằng nhằng và những cái hẹn không chính xác, chỉ nhằm mục đích làm người tìm việc hết kiên nhẫn và tự nguyện bỏ số tiền của mình không phải là chiêu lạ của các TTVL.
Những TTVL với các chiêu lừa đảo muôn thuở, nhưng vẫn luôn luôn mới với những tân sinh viên ngây thơ và khát khao kiếm tiền. Tuy nhiên, hoạt động của các cơ sở này vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng.
Tạ Hương
Bình luận (0)