Trẻ em vùng ven TP.HCM - chơi hè ở đâu?

04/07/2007 17:28 GMT+7

Với trẻ em nội thành TP.HCM, việc lui tới giải trí ở các khu vui chơi như: công viên Đầm Sen, hồ Kỳ Hòa, khu du lịch Suối Tiên, Công viên nước… trong dịp hè là chuyện đơn giản. Còn với trẻ em ngoại thành, đó gần như là điều xa xỉ…

Từ việc thiếu sân chơi…

Thực tế ở một số quận, huyện vùng ven TP.HCM như Q.12, Bình Tân, Hóc Môn, Bình Chánh..., những điểm vui chơi mang tính cộng đồng, bổ ích, hấp dẫn cho trẻ em vẫn còn thiếu cả về số lượng lẫn loại hình vui chơi.

Tại đây, hầu như không có sân bóng dành riêng cho học sinh vui chơi hè. Nếu có, thì đã được khoán trọn gói cho tư nhân sử dụng. Học sinh muốn chơi thì phải thuê… Chẳng hạn, tại TT VHTDTT huyện Bình Chánh, dù nghỉ hè đã hơn một tháng, nhưng lớp bóng đá vẫn chưa được khai giảng.

Trong khi đó, tại CLB TDTT quận Bình Tân, tuy lớp bóng đá đã được khai giảng, nhưng các em chỉ được luyện tập từ 7h-9h sáng, các ngày thứ 3,4,5 hàng tuần. Vào các ngày khác, các em muốn chơi thì phải thuê. Vì nơi đây cũng đã được khoán cho tư nhân khai thác. Theo ghi nhận của phóng viên, khoảng hơn 10h sáng thứ 3 (ngày 3.7.2007), dù sân bóng của CLB này vắng ngắt, nhưng các em học sinh vẫn không được vào tập.

Nói đến Trung tâm văn hóa thể dục thể thao (TT VHTDTT) huyện Bình Chánh là nói đến "điểm đến lý tưởng" của rất nhiều các em học sinh tại đây trong dịp hè, với các lớp ngoại khóa như: võ thuật, âm nhạc, họa, các môn thể thao… Vậy mà, theo đánh giá của đa số phụ huynh học sinh, chất lượng vui chơi giải trí ngoài nhà trường ở đây chỉ vào bậc thường thường chứ chưa cao. Còn điểm vui chơi như nhà thiếu nhi quận Bình Tân, lại có không gian quá hẹp, các trò chơi đơn giản, cơ sở vật chất chưa đáp ứng được nhu cầu, rất dễ làm các em nhỏ chóng chán…

Tuy thế, tại những vị trí “đắc địa” có không gian, cảnh quan khá đẹp cho trẻ em vui chơi thì lại được trưng dụng cho người lớn. Công viên Phú Lâm (Q. 6, tiếp giáp với quận Bình Tân), nơi được các phụ huynh học sinh ở Bình Tân chọn làm "điểm đến lý tưởng" cho con em của họ (Vì nơi này có không gian lớn, là công viên gần các quận, huyện ngoại ô phía tây của TP.HCM nhất), nhưng họ cũng phải “lắc đầu” và vội quay mặt.

Anh Nguyễn Văn Tịnh, phụ huynh của em Quang (học sinh trường tiểu học An Lạc 1), bức xúc cho biết lý do: “Hầu hết, không gian của công viên bị các đôi tình nhân chiếm dụng. Mình nhìn cảnh này còn ngượng, huống chi con trẻ. Đưa trẻ em ra đây chơi, để “hỏng” à!”.

... Đến lời cảnh báo từ game


Các tiệm internet luôn có nhiều học sinh - Ảnh: Đỗ Thông
Hiện tại trên địa bàn các quận, huyện ngoại thành TP.HCM, các điểm kinh doanh internet đang thi nhau mọc lên ngày càng nhiều. Chủ yếu phục vụ các trò chơi điện tử và chat… Mỗi điểm kinh doanh internet ở đây không dưới chục máy, hoạt động liên tục từ 6-7h sáng đến khuya.

Chúng tôi ghé vào một điểm internet nằm trên đường Nguyễn Hữu Trí (thuộc thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh) cách TT VHTDTT huyện chưa đầy 300m. Mặc dù, mới khoảng 8h sáng nhưng đã thấy không còn một máy trống và phần đông người chơi là các em nhỏ.

Một em nhỏ, độ khoảng 14-15 tuổi, đang dán mắt vào màn hình máy vi tính với những con quái vật trông rất kỳ dị, vừa nghiêng người theo diễn biến của trò chơi, vừa trả lời chúng tôi: Những ngày chưa nghỉ hè, em chỉ có thể chơi vào buổi chiều (vì em học buổi sáng). Nhưng bây giờ là mùa hè, nên khi cha, mẹ đi làm là em lại “lủi” ra đây. Và cũng theo em nhỏ này, hiện giờ em đã rất "nghiện", không chơi là tay chân em ngứa ngáy, không chịu được…

Một người được thuê trông coi điểm kinh doanh internet trên địa bàn quận 12 cho biết: Khách đến đây, phần đông là trẻ em, con trai thì chủ yếu chơi trò chơi, còn con gái thì lại khoái chat… Rất ít thấy các em đến đây cập nhật thông tin hay kiến thức trên mạng.

Chúng ta thường thấy khẩu hiệu “Hãy dành tất cả những gì tốt đẹp cho trẻ em”, nhưng thực tế ở các quận, huyện ngoại thành TP.HCM những điều tốt đẹp dành cho trẻ em còn quá ít. Vì vậy, theo thiển nghĩ của chúng tôi, thời gian tới, chúng ta cần xã hội hóa mạnh hơn nữa công tác này.

Đồng thời, phải nhanh chóng trả lại những sân chơi của trẻ em cho trẻ em, cũng như cần sớm đẩy nhanh việc đầu tư xây dựng các khu vui chơi giải trí dành riêng cho các em thiếu nhi (mà hiện tại các địa phương vùng ven đang thiếu và yếu trầm trọng). Đặc biệt, đối với những trò chơi dễ gây phương hại đến tâm lý và đạo đức của trẻ cũng cần phải được quản lý chặt chẽ hơn.

Đỗ Thông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.