Túi nilông trong mắt người làm môi trường

09/01/2012 08:37 GMT+7

Người tiêu dùng, doanh nghiệp, tiểu thương đang “choáng” quanh chiếc túi nilông, kể từ khi phải chịu thuế từ ngày 1-1-2012. Những người gắn bó với hoạt động môi trường tại VN nhìn vấn đề này như thế nào?

Người tiêu dùng, doanh nghiệp, tiểu thương đang “choáng” quanh chiếc túi nilông, kể từ khi phải chịu thuế từ ngày 1-1-2012. Những người gắn bó với hoạt động môi trường tại VN nhìn vấn đề này như thế nào?

Cổ xúy các giải pháp thay thế

Việc đánh thuế túi nilông đã diễn ra tại nhiều quốc gia và đạt kết quả khả quan. Tại Ireland, việc áp một mức thuế từ năm 2002, ban đầu là 15 cent rồi tăng dần lên tới 22 cent (gần 7.000 đồng) cho mỗi túi nilông đã làm cho lượng tiêu thụ túi nilông dùng trong năm 2011 giảm tới hơn 90% so với năm 2001 (trước kia, trung bình mỗi người dân dùng 328 túi/năm, tới nay chưa tới 30 túi/năm).

 
Hoàng Thị Minh Hồng  - Ảnh nhân vật cung cấp


Tại thành phố Washington DC (Mỹ), mức thuế 5 cent (khoảng 1.000 đồng) được áp dụng ngày 1-1-2010, kết quả khảo sát cuối tháng đó cho thấy con số 22,5 triệu túi nilông mà các cửa hàng mỗi tháng đưa cho khách mua hàng trước khi áp mức thuế này đã giảm xuống chỉ còn 3 triệu túi, giúp thành phố tiết kiệm gần 3 triệu USD trong năm đó. Số tiền này đã được dùng cho dự án làm sạch con sông Anacostia bị ô nhiễm ở đây. Tại Trung Quốc, điều luật cấm sử dụng túi nilông áp dụng năm 2009 giúp tiết kiệm khoảng 1 triệu tấn dầu hỏa.

Túi nilông không đơn thuần là mặt hàng mà còn là thói quen rất lâu trong đời sống người dân, nên việc thay đổi không thể nhất thời bằng các biện pháp mạnh một cách đơn độc.
Tại Việt Nam, thuế áp cho túi nilông là bước tiến mạnh mẽ và rất đáng hoan nghênh. Song động thái này đang gây sốc cho nhiều người vì còn nhiều vấn đề chưa được xử lý đồng bộ.

Tôi nghĩ cần có một lộ trình bao gồm những chiến dịch truyền thông dài hơi thay đổi nhận thức của người dân, về túi nilông, đồng thời cổ xúy cho hàng loạt giải pháp thay thế (như khi mua sắm thì dùng giỏ nhỏ hay dùng các loại túi xách lớn làm bằng sợi tổng hợp, giá khá rẻ, dễ gấp gọn và có thể dùng cả năm).

Chính các siêu thị, cửa hàng cũng cần đưa ra giải pháp thay thế túi nilông, tốt nhất là miễn phí trong thời gian đầu. Ví dụ tôi thấy ở siêu thị An Phú (Q.2, TP.HCM) có chủ trương không đưa túi nilông miễn phí, để sẵn các loại thùng cactông cũ cho khách hàng bỏ hàng hóa vào mang về nếu như khách quên mang túi mua hàng. Một khi chưa có những bước đệm mà chúng ta áp thuế thì không tránh khỏi làm một số người dân sốc, e ngại.

 
Trong điều kiện của chúng ta hiện nay, tôi nghĩ túi thân thiện với môi trường nhất vẫn là các loại túi có thể dùng lại nhiều lần, dù bằng nguyên liệu gì (sợi tổng hợp, vải, nhựa...). Vật liệu nhựa hay nilông không xấu, nhưng việc dùng nó một lần thì tác động lên môi trường đã lớn hơn tính năng sử dụng của nó. Còn nếu bạn có thể sử dụng một cái túi trong cả năm (túi sợi tổng hợp, túi vải, giỏ nhựa...) thì tác động lên môi trường sẽ không đáng kể.

 
Các em nhỏ ở Huế, thuộc chương trình giáo dục môi trường của Tổ chức BAJ (Nhật), thu gom túi nilông - Ảnh: H.H.T.

Năm 2012, chiến dịch 350.org tại Việt Nam sẽ có những kế hoạch như vậy, với túi nilông, hộp xốp, không quên chú trọng đến yếu tố giải pháp, vừa đảm bảo tính bền vững, vừa có lợi cho cộng đồng. Chúng tôi sẽ kêu gọi mọi người quan tâm nhiều hơn đến mặt hàng mây tre đan, sử dụng giỏ đi chợ thân thiện môi trường, tận dụng giấy báo cũ để xếp túi cho gia đình mình, làm việc với các nhóm nghiên cứu để đưa ra vật liệu thân thiện môi trường cho sản phẩm hộp xốp...

Kinh nghiệm của tôi trong việc bảo vệ môi trường, nhất là ở những quốc gia mà nhận thức người dân chưa cao thì nếu chỉ kêu gọi suông mà không đưa ra giải pháp thay thế thì chẳng mấy ai thực hiện.

* Trần Thị Lan Anh (Đại sứ môi trường Bayer Việt Nam 2010): Cần kiểm soát, đo lường nghiêm chỉnh

Năm 2010 tôi thực hiện dự án “Cổ động hạn chế sử dụng túi nilông tại chợ Văn Thánh, TP.HCM”, đối tượng tuyên truyền chính là tiểu thương, bà nội trợ.


 Trần Thị Lan Anh - Ảnh nhân vật cung cấp 

Với các bà nội trợ, chúng tôi đến nhà quyên góp túi nilông cũ và sạch, phát tờ rơi tuyên truyền tác hại và các biện pháp nhỏ, thiết thực hằng ngày để giảm sử dụng túi nilông (từ chối lấy thêm túi nilông, mang theo giỏ nhựa, cất túi vải trong cốp xe máy) và khảo sát ý thức, mức độ hiểu biết đối với việc sử dụng túi nilông.

Với các tiểu thương chợ Văn Thánh, nhóm khảo sát ý thức, mức độ hiểu biết đối với việc sử dụng túi nilông; thăm dò mức giá chấp nhận được cho các túi nilông cũ và sạch.

Chúng tôi thu gom túi nilông từng được dùng đựng vải vóc, trái cây, gạo... sau đó làm sạch, phân loại, gấp, đóng gói và phân phối được khoảng 19,5kg túi tại chợ Văn Thánh với giá 5.000-7.000 đồng/kg, tức bằng khoảng 1/4 mức giá túi mới. Trong ngày hội “Hãy bớt đi một túi nilông” phối hợp tổ chức với Đoàn thanh niên khu phố, chúng tôi cho trẻ em thi xếp túi giấy, tặng giỏ nhựa đi chợ và túi vải không dệt cho các bà nội trợ...

Việc đánh thuế túi nilông trước hết là phép thử đối với phản ứng của người sản xuất, người bán, về lâu dài là người tiêu dùng. Sau đó là một “tiếng vang” đánh động vào túi tiền của người dân, nhắc nhở họ bảo vệ môi trường. Song, tôi nghĩ nếu không có hệ thống kiểm soát, đo lường nghiêm chỉnh thì hệ quả của việc đánh thuế túi nilông đối với môi trường có thể biến hóa còn nặng nề hơn. Chẳng hạn, người dân có thể chuyển sang sử dụng túi giấy ximăng, các loại túi nilông bao bọc thực phẩm kết hợp với hộp xốp (như trong siêu thị)... Những vật liệu này khi sản xuất thải ra lượng CO2 rất cao.

* Đoàn Nguyễn Phương Mai (chủ nhiệm CLB Go Green TP.HCM - Hành trình xanh TP.HCM): Tôi thường sử dụng túi vải

Người dân sử dụng túi nilông nhiều là do giá quá rẻ. Vì vậy, khi túi nilông tăng giá, người dân sẽ phải suy nghĩ mỗi khi mua và có thể sẽ quyết định không mua nếu không thật cần thiết. Đúng là hiện nay có nhiều trường hợp không thể không dùng túi nilông. Song khi mua hàng, nếu đưa ra lựa chọn túi giấy hay túi nilông thì tôi sẽ chọn túi giấy. Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết cửa hàng chỉ cho người tiêu dùng lựa chọn duy nhất là túi nilông.

 
Đoàn Nguyễn Phương Mai - Ảnh nhân vật cung cấp

Trong sinh hoạt hằng ngày, tôi thường sử dụng túi vải hơn, chỉ sử dụng túi nilông khi thật sự cần thiết. Gia đình tôi hay thu gom túi nilông cũ sạch để sử dụng lại. Tôi nghĩ đây cũng là một cách để giảm sử dụng túi nilông.

Tôi mong mọi người trước khi quyết định sử dụng túi nilông hãy dừng lại một giây để suy nghĩ chiếc túi ấy có thật cần thiết không.

Trung Uyên 

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.