Ước mơ trở thành bác sĩ y học cổ truyền của nam sinh khiếm thị
26/09/2018 16:57 GMT+7
Bị mù vào năm 10 tuổi, thế nhưng Trần Việt Hoàng vẫn đến trường và nuôi ước mơ trở thành bác sĩ y học cổ truyền để chữa bệnh cho mẹ cùng những người nghèo khổ.
Tự động phát
Vượt lên số phận
Lớp 12 A2 Trường THPT Đồng Lộc (thị trấn Đồng Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) có 45 học sinh, trong đó có có 1 nam sinh “đặc biệt”, đó là em Trần Việt Hoàng (18 tuổi, trú tại thôn Liên Tân, xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc).
Hoàng là người khiếm thị nên hành trang cậu học trò này mang theo trong suốt thời gian theo học con chữ là một bộ chữ nổi Braille.
Gặp Hoàng sau giờ tan trường với nụ cười thân thiện luôn thường trực trên môi, chúng tôi phần nào cảm nhận được sự lạc quan và sự nỗ lực vươn lên không ngừng nghỉ của cậu học trò khiếm thị này.
|
Hoàng kể em là con trai duy nhất trong gia đình có mẹ và chị gái nhưng không có cha. Hoàng và chị gái sinh ra đã chịu cảnh thiệt thòi so với chúng bạn. Người mẹ nghèo bất đắc dĩ trở thành trụ cột gia đình. Bà Trần Thị Sen (51 tuổi, mẹ Hoàng) luôn cố gắng làm thuê, làm mướn để có tiền nuôi hai con ăn học.
Ngày Hoàng ra đời, bà Sen cứ nghĩ rằng sau này sẽ dựa dẫm được vào cậu con trai, đặc biệt là khi bà bệnh tật và già yếu. Thế nhưng, khi Hoàng lên 5 tuổi, mắt của cậu bị mờ dần và được các bác sĩ kết luận bị bong bóng mạc.
Trải qua 4 lần phẫu thuật tại các bệnh viện chuyên chữa trị về mắt nhưng bệnh không khỏi, Hoàng vĩnh viễn không còn nhìn thấy ánh sáng. Dẫu vậy, niềm lạc quan và khát khao vươn lên đã giúp cậu học trò nghèo chiến thắng số phận. Hoàng đã cố gắng để sống và học tập như một người bình thường.
|
“Sau khi phát hiện bệnh, tôi đã đưa cháu đi khắp nơi để chữa trị nhưng không được. Đến năm lên 10 tuổi, khi Hoàng đang học lớp 4 thì bị mù hẳn nên phải nghỉ học. Hàng ngày, nghe tiếng chúng bạn trong xóm gọi nhau đến trường nên nó cứ đòi đi học cho bằng được. Thương con, tôi lặn lội xuống Hội người mù huyện Can Lộc xin cho cháu vào học lớp dạy chữ viết dành cho người khiếm thị”, bà Sen nhớ lại.
Trải qua 3 tháng hè học chữ nổi Braille, Hoàng được mẹ đón về nhà và xin vào học tại một trường tiểu học gần nhà. Phải rất quyết tâm và kiên trì thuyết phục thì bà Sen mới thuyết phục được nhà trường nhận một học sinh khiếm thị vào học.
|
Ước mơ trở thành bác sĩ
Suốt 8 năm qua, ngày ngày bà Sen dùng xe đạp chở con trai đến trường. Những lúc mẹ ốm đau hoặc bận việc, Hoàng được các bạn cùng lớp đưa đến trường.
Khi chúng tôi hỏi về phương pháp học để tiếp thu những kiến thức trên lớp, Hoàng cho biết: “Trên lớp, thầy cô giáo ở tất cả các bộ môn thường dành nhiều thời gian hơn để giảng bài cho em. Những bộ môn liên quan đến hình vẽ, hình học thì em được thầy cô vẽ lên tay để em cảm nhận được và dễ hình dung. Việc thi cử của em cũng khác các bạn, thường thì em được thi riêng, thầy cô đọc đề thi trắc nghiệm và em chọn đáp án”.
|
Theo Hoàng, quá trình sinh hoạt của em ở nhà đôi khi gặp chút khó khăn nhưng không phải là trở ngại lớn. Nam sinh này định hình mọi thứ xung quanh bằng cảm giác như một phản xạ tự nhiên. Hoàng có thể tự nấu ăn, làm các công việc vặt trong nhà và giúp mẹ một số công đoạn trong việc làm chổi đót.
“Để nuôi chị gái và em ăn học, mẹ em ngoài làm ruộng thì còn làm chổi đót bán cho người dân trong xã để kiếm thêm thu nhập. Mặc dù mắc căn bệnh suy thận mãn tính hơn 10 năm qua nhưng mẹ vẫn cố gắng làm việc mà không lời nào than vãn. Em chỉ ước sau này trở thành bác sĩ y học cổ truyền để chữa trị cho mẹ và những người nghèo khổ”, Hoàng nói.
Thầy Trần Đức Tài, Phó hiệu trưởng Trường THPT Đồng Lộc, cho hay biết hoàn cảnh gia đình em Hoàng khó khăn nên nhà trường đã miễn toàn bộ học phí và trao nhiều suất học bổng để động viên nam sinh này.“Hoàng có phần thiệt thòi hơn các bạn nhưng em ấy luôn cố gắng vươn lên trong học tập. Kết quả là năm lớp 10 và lớp 11, Hoàng được xếp học lực loại khá. Đặc biệt, Hoàng có biệt tài thổi sáo rất hay nên mỗi lần nhà trước tổ chức biểu diễn văn nghệ thì em luôn đóng góp nhiều tiết mục bằng sáo trúc. Cả trường ai cũng quý mến em ấy”, thầy Tài nói.
Bình luận (0)