Ông Hồng quê ở Hà Tĩnh, năm 20 tuổi, ông tham gia quân ngũ và được đào tạo thành kỹ sư thông tin. Sau khi đất nước độc lập, ông được phân công về làm việc ở Bưu điện tỉnh Kiên Giang. Sau đó vì lý do sức khỏe, ông xin được nghỉ hưu sớm. Chán cảnh ăn ở không, trong khi gia đình chẳng mấy dư dả nên quyết định kiếm việc làm hợp với sức khỏe. Vậy là ông xin một góc nhỏ trong Bưu điện Rạch Giá kê bàn viết thư thuê. Khách tìm tới hầu hết là người nghèo, người ít học hay có người thân ở hải ngoại nhờ ông viết thư thăm hỏi sức khỏe người thân, báo tin vui, buồn, động viên con em đi xa ráng ăn học... Do sống trong cảnh nghèo, cũng nuôi con ăn học, ông hiểu được cái khổ của người nghèo nên viết bằng cả tấm chân tình. Mỗi lá thư ông nhận tiền công chỉ vài nghìn đồng. Khách hàng rất "mê" ông bởi ông viết rất tỉ mỉ từng câu, từng chữ, chưa bao giờ làm qua quýt.
Trên bàn viết thư thuê của ông lúc nào cũng có quyển Tự điển tiếng Việt, Bộ luật Dân sự... Sau khi nghe khách kể lại nỗi lòng những lời nhắn gửi cho người thân, ông liền bắt tay viết một mạch. Thông thường một lá thư ông viết khoảng 15 đến 30 phút, tùy theo nội dung ngắn, dài. Ông tâm sự: "Nghề này phải có cái tâm, đừng thấy người ta không biết chữ rồi viết cẩu thả cho nhanh để lấy tiền. Người ta cần mới tìm đến mình, không nên viết cho lấy có!".
Hôm đến Bưu điện TP Rạch Giá, chúng tôi tình cờ gặp bà Nguyễn Thanh Tuyền ở phường Vĩnh Thanh Vân đến nhờ ông Hồng viết thư. Bà Tuyền sống bằng nghề bán vé số và nuôi cháu nội đang ăn học ở Cần Thơ. Bà nhờ viết thư động viên cháu học hành và báo tin bà vẫn khỏe. Bà vốn ít chữ nghĩa nhưng rất thương cháu nội, nỗi nhớ của bà được ông tải thành những lời vô vàn yêu thương.
Cứ thế 17 năm qua, ngòi bút của ông đã chuyền tải hạnh phúc cho bao người... Ông pha trò với chúng tôi rằng, nhờ cái nghề "bán chữ, bán tâm sự" này mà ông đã chắt mót nuôi được hai người con học đại học ở TP.HCM và Cần Thơ.
Ngọc Nhung
Bình luận (0)