Xúc động cảnh người khiếm thị tìm việc cho… người khiếm thị

26/06/2016 20:54 GMT+7

Lần đầu tiên tại TP.HCM diễn ra ngày hội việc làm dành cho người khiếm thị, chương trình chủ yếu do chính những bạn trẻ khiếm thị khởi xướng nên.

Đó là hai nhóm khiếm thị đến từ Mái ấm Thiên Ân TP.HCM - những chủ nhân dự án Cung cấp dịch vụ hỗ trợ, tư vấn việc làm và website tìm việc cho người khiếm thị (www.jobforblind.com), với sự hỗ trợ của các tình nguyện viên, điều phối viên chương trình UPSHIFT (Vươn lên) và Mạng lưới khởi nghiệp trẻ Việt Nam (VYE).
Gần 100 người khiếm thị và 10 doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng đã tham gia ngày hội hôm nay 26.6.
Tại bàn doanh nghiệp Hakio’s House, Nguyễn Thị Thảo (sinh viên ngành giáo dục đặc biệt Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) đang rà các dòng chữ nổi để đọc thông tin về tuyển dụng, trước khi trả lời phỏng vấn trực tiếp. Thảo cho biết bạn đã “nhắm” đến hai công việc có thể phù hợp với sinh viên làm thêm như mình, đó là bán hoa tươi và nhân viên kinh doanh online.
Trong khi đó, Nguyễn Tuấn Tú (sinh viên Trường ĐH RMIT) được nhiều nhà tuyển dụng săn đón. Bởi lẽ, công việc hướng đến của Tú là những ngành nghề liên quan đến công nghệ và kinh doanh như quản trị trang web, fanpage quảng bá sản phẩm, dịch vụ…
Tú chia sẻ: “Tôi muốn được trải nghiệm trong những lĩnh vực mới, tìm những việc làm thể hiện khả năng đa dạng của người khiếm thị. Theo tôi, người khiếm thị nếu được đặt đúng chỗ thì họ sẽ làm việc bằng hoặc thậm chí tốt hơn những người khác”.
Bà Nguyễn Thị Thùy Trang, chủ cửa hàng hoa tươi Bạch Huệ, nhận xét: “Tôi thấy những người khiếm thị tới đây tìm việc có khả năng hòa nhập cao, năng động và tự tin. Bước đầu, chúng tôi cũng đã ‘khoanh vùng’ chọn được 4 ứng viên khá phù hợp”.
Tìm hiểu thông tin tuyển dụng bằng chữ nổi Ảnh: Như Lịch
Tìm hiểu thông tin tuyển dụng bằng chữ nổi Ảnh: Như Lịch
Đứng ở góc độ khác, bà Phạm Lê Thanh Hòa (Viện máy tính Việt Nam) cho hay: Khoảng 1 năm nay, viện này muốn tuyển dụng những người khiếm thị vào làm những công việc như sửa chữa bảo hành điện thoại di động, máy tính xách tay, máy tính bảng và cấp cứu dữ liệu. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này vẫn không tuyển được người nào phù hợp.
“Đa số các bạn khiếm thị học ngành tâm lý. Cũng có một số bạn theo lĩnh vực lập trình web nhưng còn đang đi học… Chúng tôi mong muốn các bạn nên chủ động học hỏi, mở rộng ra nhiều ngành nghề khác, chứ không nên tập trung vào một số công việc quen thuộc”, bà Thanh Hòa nhắn nhủ.
Anh Nguyễn Minh Tuấn, đại diện cho nhóm dự án thiết kế website tìm việc làm cho người khiếm thị, tâm sự rằng nhóm anh rất trăn trở trước thực trạng “đau khổ” của những người đồng cảnh. Đó là, Việt Nam có hơn 1 triệu người khiếm thị; nhưng trong số đó chỉ có 20% là có việc làm, còn lại 80% phải sống phụ thuộc vào người khác, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội, mặc dù họ có thể đáp ứng yêu cầu của nhiều loại công việc.

tin liên quan

Người điếc câm đang bị lãng quên?
Sự bất cập của quy định và giám định mức độ khuyết tật đang được lưu hành khiến hàng ngàn người điếc câm vẫn không được thừa nhận đúng với mức độ khuyết tật và họ đang phải vật lộn với khó khăn mỗi ngày...
Cũng theo anh Tuấn, hầu hết mọi người đều cho rằng người khiếm thị chỉ làm được một số ít công việc như: massage, bấm huyệt, bán vé số. Nhưng trên thực tế, người khiếm thị đang làm rất nhiều công việc khác nhau như: tư vấn và chăm sóc khách hàng, giáo viên, phóng viên, dịch thuật, lập trình viên, soạn và phối nhạc, nhân viên phòng thu…
Chính vì những lẽ đó, nhóm đã quyết tâm lập nên trang web www.jobforblind.com nhằm tạo cầu nối giữa nhà tuyển dụng và lao động khiếm thị, nâng cao năng lực của người khiếm thị đồng thời giúp cộng đồng hiểu rõ hơn về khả năng làm việc của người khiếm thị.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.