Nghệ sĩ Đặng Sĩ Đạt là một trong những giọng ca hát nhạc nước ngoài đầu tiên tại Hà Nội vào những năm đầu thập niên 1970.
Nghệ sĩ Đạt “Tây” hiện nay - Ảnh: N.A |
Thập niên 60 - 70 của thế kỷ trước đánh dấu sự xuất hiện của nhiều ban nhạc lớn được coi là huyền thoại âm nhạc thế giới như The Beatles, ABBA, BeeGees…
Đây cũng được coi là thập niên vàng của các ban nhạc thế giới. Đến đầu thập niên 1970, những ban nhạc đầu tiên ở miền Bắc VN xuất hiện. Theo thời gian, các ban nhạc tan rã. Việc tìm lại các nghệ sĩ chơi nhạc vào khoảng thời gian đó thật không dễ.
Nhờ nghệ sĩ guitar Nguyễn Văn Hạnh, người vẫn còn giữ liên lạc và hằng năm tổ chức cuộc gặp mặt hội ngộ các nghệ sĩ hoạt động âm nhạc trong thập niên 1970 - 1980, tôi mới có thể tìm ra được ngôi sao nhạc ngoại của thời kỳ đầu - Đạt “Tây” (nghệ danh của nghệ sĩ Đặng Sĩ Đạt).
Thời ban nhạc hát đám cưới
Nghệ sĩ Đặng Sĩ Đạt hẹn tôi tại quán cà phê nơi ông sẽ có buổi trình diễn vào buổi tối. Thật bất ngờ, người đàn ông năm nay đã bước sang tuổi 60 nhưng trông vẫn thật phong độ khi cầm guitar, cất tiếng hát khàn và ấm. Ông cười bảo: “Chơi nhạc ở quán bây giờ không bốc bằng chơi nhạc hồi xưa ở đám cưới”.
Một ban nhạc hát đám cưới hồi thập niên 1970 - Ảnh: T.L
|
Câu chuyện của chúng tôi trở lại khoảng thời gian giữa bối cảnh đất nước vẫn còn đang chiến tranh, âm nhạc ngoại quốc khó lòng du nhập được vào, thậm chí bị bài xích. “Nhạc quốc tế bị coi là nhạc ngoài luồng, trong khi thanh niên lại thích thứ âm nhạc mới. Ở đám cưới người ta khó có thể cấm chơi nhạc gì, thế nên chỉ chơi được nhạc ngoại ở đó thôi”, nghệ sĩ nhớ lại. Đó là lý do vì sao những ban nhạc đầu tiên xuất hiện ở miền Bắc lại là những ban nhạc chơi trong đám cưới. Dù chỉ có vài ban nhạc, nhưng phong trào rất xôm. Đám cưới trở thành những cuộc “đua tài”. Mỗi ban nhạc chơi theo một phong cách, ban thiên về sôi nổi, ban thiên về trữ tình.
“Ban nhạc lúc đó còn chẳng có tên. Chúng tôi ai cũng biết và chơi với nhau. Tình cảm rất thân tình, vô tư. Lúc ấy chẳng có khái niệm ngôi sao gì cả. Chơi nhạc chỉ vì yêu thích thôi”, ông Đạt nói. Vào thời kỳ thông tin văn hóa nghệ thuật vẫn còn nhiều hạn chế, người yêu nhạc quốc tế gần như chỉ có cánh cửa duy nhất là những chiếc đĩa than được người đi công tác, đi học, làm việc tại nước ngoài mang theo khi về nước. “Biết ai có đĩa là chúng tôi lại tìm đến xin nghe. Rồi tất cả cùng nhau học thuộc, người thuộc đoạn này, người thuộc đoạn kia, ai quên thì người kia nhắc. Chúng tôi nghe đến mòn cả đĩa, tiếng kêu rè rè mà vẫn thích nghe, đến khi nào không còn nghe được nữa mới thôi”, ông nhớ lại.
Đạt “Tây” không học đàn lẫn học hát, nhưng ban nhạc cần có một giọng ca nên ông “buộc” trở thành ca sĩ. Ông kể: “Thời ấy, những người chơi nhạc ngoại như chúng tôi nào được học hành gì, cứ tự mò mẫm, chơi dần rồi vỡ ra, cứ ngày này qua ngày khác bồi đắp thêm. Hát thì hát bằng bản năng, cảm nhận như thế nào thì hát như thế. Chúng tôi cũng chẳng ai biết tiếng Anh, cứ nghe rồi lẩm nhẩm hát theo”. Vậy mà các ban nhạc có rất đông khán giả hâm mộ. Biết ban nhạc đánh ở đám cưới nào, họ lại rỉ tai nhau kéo nhau đến nghe. “Hồi đó, cả Hà Nội chỉ có vài phòng cưới như Hòa Bình, Thủ Đô… Mỗi lần chúng tôi đi hát đều có mấy chục người đi theo, không được vào trong, họ cứ đứng ngoài nghe rồi vỗ tay”, giọng ca vàng thuở ấy nhớ lại.
Trở thành nghệ sĩ nhà nước
Sau thời kỳ các ban nhạc chơi ở đám cưới, có thời gian các ban nhạc chơi trong sàn nhảy. Đó là khi VN bắt đầu mở cửa, nhiều người nước ngoài tới VN làm việc. Các khách sạn mở sàn nhảy để phục vụ nhu cầu giải trí cho họ, người VN không được phép vào mãi cho đến sau này. “Muốn vào sàn nhảy để xem ban nhạc chơi, nhiều người phải xin một chân bê nhạc cụ, phục vụ cho ban nhạc mới được cho vào”, ông cười khi nhớ lại kỷ niệm của một thời.
Năm 1975, khi đất nước thống nhất, cái nhìn về dòng nhạc nước ngoài tại miền Bắc đã cởi mở hơn. Các ban nhạc từ miền Nam ra trình diễn giao lưu càng làm sôi nổi đời sống âm nhạc. Nhiều ban nhạc được thành lập và được đặt tên hẳn hoi như Hùng Hào, Lang Tràng… Thậm chí, nhiều nhà hát của nhà nước đã chú ý tới nhạc ngoại quốc và muốn xây dựng những ban nhạc như nước ngoài với các loại nhạc cụ khác nhau. “Sinh viên học từ trường âm nhạc chỉ được đào tạo nhạc cổ điển, chẳng có mấy người chơi được nhạc nước ngoài. Trong khi chúng tôi đã tự mày mò học và chơi trong suốt nhiều năm nên có nhiều lợi thế”, Đạt “Tây” kể. Và ông trở thành thế hệ nghệ sĩ đầu tiên của Nhà hát Tuổi Trẻ.
Đạt “Tây” và bạn bè ông từng bị bắt, nhắc nhở vì hát nhạc ngoại. Nhưng khi nhìn lại thì đó là thời kỳ đặt những viên gạch đầu tiên cho sự hình thành và phát triển các ban nhạc như Sông Hồng, Sao Mai, Hoa Sữa, Mùa Xuân, Sao Mai, Thăng Long... để tiếp đó là sự xuất hiện của nhạc nhẹ tại miền Bắc.
Bình luận (0)