Để thành công với nghề may trang phục, người thợ phải khéo léo, biết biến tấu, sáng tạo
Thật thú vị khi được ngắm nhìn đôi tay thoăn thoắt của những người thợ tại cơ sở may phục trang Vĩnh Lộc (Phạm Ngũ Lão, quận 1 - TPHCM) đang xâu những hạt cườm nhỏ xíu.
Cứ vài hạt cườm thì lại xen vào một hạt kim sa để tạo độ lấp lánh cho trang phục. Đạo diễn Nguyễn Vĩnh Lộc cũng là chủ cơ sở cho biết: Phải kỳ công, tỉ mỉ trong từng chi tiết mới hoàn thành một chiếc áo long bào. Nghề này không dễ như mọi người nghĩ, chỉ cần sai một chi tiết, chiếc áo sẽ mang phong cách hoàn toàn khác”.
Đam mê, khéo léo, kiên nhẫn
Tại cơ sở Vĩnh Lộc, mỗi người thợ đảm trách một công đoạn khác nhau để hoàn thiện các bộ trang phục. Để chiếc áo thêm phần lộng lẫy, những người thợ may trang phục dùng keo vẽ hình rồng, phụng, hoa văn lên vải, sau đó rắc kim tuyến, đính kim sa thay cho cách làm trước đây là phải thêu và đính bằng chỉ.
Chị Nguyễn Thị Thanh Nga, đảm nhận công đoạn ráp trang phục, chia sẻ: “Công việc đòi hỏi phải nhạy bén, khéo léo, đường chỉ phải đều, nếu sai một chút thì sẽ không đúng với ý đồ của nhà thiết kế. Quan trọng nhất khi tạo điểm nhấn cho phục trang cổ chính là công đoạn kết cườm vì đòi hỏi độ chính xác cao để tạo nên nét uyển chuyển cho từng họa tiết, hoa văn”.
Không chỉ tỉ mỉ, khéo léo, đam mê với nghề, người làm phục trang cần có kiến thức sâu rộng về lịch sử để bảo đảm tính chính xác và phù hợp cho phục trang qua các thời kỳ. Nhà thiết kế Sĩ Hoàng cho biết: “Khi dựng một vở diễn mang tính lịch sử dân tộc, yếu tố trang phục phải đặt lên hàng đầu, tạo hình nhân vật phải đúng chuẩn mới khắc họa chính xác hình tượng nhân vật. Do đó, người làm phục trang phải rất am tường lịch sử”. Cũng theo ông, để thành công với nghề, người may phục trang cần có lòng đam mê, óc thẩm mỹ cao, đôi mắt tinh nhạy, bàn tay khéo léo và sự kiên nhẫn.
Tôn vinh tính cách nhân vật
Thời gian gần đây, nhiều sân khấu khởi sắc, các vở diễn quy mô ngày càng nhiều và nghề may phục trang sân khấu cũng phát triển. Ở các sân khấu lớn hay nhỏ, công tác phục trang luôn được chú trọng vì thông qua trang phục sẽ làm tôn vinh tính cách nhân vật. Nhiều năm kinh nghiệm trong nghề may phục trang sân khấu và hiện là giảng viên Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TPHCM, đạo diễn Vĩnh Lộc cho rằng: “Hầu hết nghệ sĩ khi khoác trên người những bộ phục trang lộng lẫy sẽ khắc họa được hình tượng nhân vật lịch sử. Tất cả nhờ công lao của người làm trang phục vì họ đến với nghề bằng cả tâm hồn và lòng đam mê nghệ thuật”.
Cũng theo đạo diễn Vĩnh Lộc, để hoàn thành được một bộ trang phục thật lộng lẫy; phù hợp với vai diễn, bối cảnh và làm hài lòng được nghệ sĩ là cả sự cố gắng hết mình của người thợ. Từ việc may phục trang cho sân khấu cải lương, tuồng, chèo, đến nay những người thợ dần chuyển sang may theo yêu cầu của khách hàng và không còn bó hẹp trong phạm vi sân khấu.
Riêng những dịp cuối năm, nhu cầu thuê phục trang ở các công ty đến các hộ gia đình, các vũ đoàn… rất lớn. Đời sống của những người thợ may nhờ đó cũng ổn định. Không dừng lại ở việc may trang phục cho thị trường trong nước, hiện đã có một số nghệ sĩ hải ngoại cũng tìm đến cơ sở đặt may trang phục.
Đạo diễn Nguyên Đạt nhìn nhận: “Đây là một nghề cần sự đào tạo bài bản. Tuy nhiên, hiện nhiều bạn trẻ theo nghề chỉ bằng sự đam mê và kiến thức “học lóm” nên thiết kế trang phục theo kiểu hiện đại và đơn giản, thiếu chiều sâu. Điều quan trọng nhất là người may phục trang phải hiểu rõ nội dung vở diễn, tính cách nhân vật để định hướng, thiết kế trang phục đúng thần thái, tính chất của vở diễn”.
Nghệ sĩ Châu Thanh chia sẻ: “Tôi rất quý và trân trọng những người thợ may trang phục sân khấu. Bởi ngoài lòng yêu nghề, sự tận tâm trong từng sản phẩm, họ còn góp phần làm đẹp cho các vở diễn. Những bộ trang phục luôn mang lại cái hồn riêng cho từng nhân vật”. |
Theo Người Lao Động
Bình luận (0)