Những câu chuyện cổ được già Hạnh kể lại đã phải ánh phần nào khát vọng của người Pa Kô xưa - Ảnh: Tuyết Khoa |
Kho tàng truyện cổ...
Một dịp lên A Lưới, chúng tôi được sống lại cái thời tưởng chừng chỉ còn trong quá khứ, mọi người cùng ngồi quanh đống lửa và nghe kể chuyện ngày xưa. Những câu chuyện cổ của đồng bào Pa Kô qua lời kể lôi cuốn của già Hạnh (68 tuổi) như đưa chúng tôi trở về tuổi thơ bởi sự hồn nhiên, mộc mạc, hoang đường nhưng thú vị và ý nghĩa.
Ông Lê Văn Chanh, Chủ tịch UBND xã Hồng Trung cho biết: “Già Hạnh như kho truyện của bản làng, hiếm ai biết nhiều chuyện như ông. Mỗi lần bà con dân bản có hội hè, ngồi quây quần bên đống lửa, chúng tôi lại được nghe già Hạnh kể chuyện dân tộc mình. Những câu chuyện cổ đã phần nào phản ánh cuộc sống, khát vọng con người Pa Kô ngày xưa”. Ông Chanh cũng cho biết thêm, già Hạnh là Trưởng ban già làng của xã, là người nổi tiếng uy tín, hiểu biết nhiều chuyện xưa, tập tục của người Pa Kô. Ông nhận được rất nhiều bằng khen từ tỉnh đến trung ương về công tác gìn giữ văn hóa nghệ thuật của cộng đồng.
Giữa núi rừng Trường Sơn, trong ngôi nhà treo đầy bằng khen, già Hạnh kể say sưa những câu chuyện cổ tích của người Pa Kô như sự cố trái đất, sự tích người Pa Kô, truyện nàng Piêr… Chuyện về những nàng Piêr được già Hạnh kể lôi cuốn khi miêu tả những thiếu nữ Pa Kô xinh đẹp như hoa, nết na giỏi giang, hát hay như sơn ca nhưng lại bị người ta hãm hại vì ganh ghét, phải trải qua nhiều gian truân nhưng cuối cùng ở hiền cũng gặp lành. Truyện kết thúc có hậu với hạnh phúc của nàng Piêr và người con trai núi rừng tài ba. Loạt truyện sự cố trái đất đã lý giải quá trình hình thành trái đất và con người, có 3 truyện chính gồm arlăm đá, arlăm núi lửa, arlăm dịch bệnh.
Người Pa Kô phải biết chuyện Pa Kô
Anh Hồ Văn Toàn, Phụ trách văn hóa xã hội xã Hồng Trung kể: “Mỗi lần có dịp hội hè, mọi người sau khi múa hát xong lại được nghe già Hạnh kể chuyện ngày xưa, từ chuyện cổ đến chuyện đánh giặc chống Mỹ. Thế hệ sau như chúng tôi không phải ai cũng biết những chuyện đó. Ít lắm…”. Những câu chuyện cổ khá ly kỳ về sự tích nòi giống, quá trình sinh con đẻ cái của đồng bào dân tộc Pa Kô, sự tích núi rừng… Những câu chuyện tưởng chừng như thô mộc ấy lại ẩn chứa đầy ý nghĩa. Nó hàm chứa sự khao khát, những giá trị lao động chân chính và chinh phục tự nhiên của đồng bào miền núi. Ngoài ra, từng câu chuyện là những bài học, lời răn dạy của người xưa về triết lý sống ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác…
Già Hạnh cho biết, ông biết nhiều chuyện của người Pa Kô vì ông vốn rất thích nghe kể chuyện, kể cả lúc còn bé đến khi đã lớn. Ngày xưa, mỗi lần theo bố mẹ lên nương rẫy, những câu chuyện của bố mẹ kể lại giúp ông quên hết mệt mỏi. Rồi khi lớn lên, ngồi với các già làng của các bản, ông cũng muốn nghe những câu chuyện cổ mà họ biết. Cứ thế, vô tình ông sưu tầm được rất nhiều chuyện. Và bây giờ, ông lại muốn kể lại cho con cháu nghe mỗi khi rảnh rỗi, mỗi dịp hội hè, mỗi dịp đêm hè trò chuyện... “Người Pa Kô thì phải biết chuyện cổ Pa Kô để biết người xưa đã sống như thế nào, nghe lời răn dạy ở hiền gặp gặp lành, ở ác gặp ác của tổ tiên. Những chuyện của núi của rừng của người Pa Kô thì mình phải biết để kể cho con cháu nghe. Ngày xưa, khi chưa có nhiều ti vi đầu máy, lũ trẻ khắp xóm hay chạy sang đây nghe kể chuyện nhưng bây chừ ít dần, không biết lũ trẻ mai sau còn mấy đứa biết đến chuyện cổ Pa Kô...”, già Hạnh chia sẻ.
Tuyết Khoa
Bình luận (0)