Giữ nhạc Việt ở xứ người

Dạ Ly
Dạ Ly
03/09/2018 08:27 GMT+7

Trong chương trình của Đoàn văn nghệ dân tộc Lạc Hồng tại Viện Việt học ở TP.Westminster, California (Mỹ) mới đây, thật xúc động khi thấy nhiều khán giả trung niên dắt tay các em bé đến nghe những làn điệu dân ca, cải lương...

Khán phòng diễn ra các chương trình dành cho âm nhạc dân tộc, biểu diễn nhã nhạc cung đình, âm hưởng dân ca... tại Mỹ thường chỉ có vài trăm khách, nhưng các nghệ sĩ và nhà tổ chức luôn muốn duy trì chương trình để “giữ hồn Việt” trong đời sống văn hóa nghệ thuật hải ngoại, đồng thời đem tới cho người Việt xa xứ tình cảm quê nhà ấm áp qua các tiết mục nghệ thuật dân tộc.
Những ai từng xem chương trình ca nhạc Tài tử cải lương (tại miền nam California) sẽ cảm nhận rất rõ nỗi thương nhớ quê nhà trong từng tiết mục. Ở hai chương trình trước, Giáo sư Nguyễn Châu (người dành cả cuộc đời phát huy nền âm nhạc cổ truyền VN) cùng đoàn văn nghệ dân tộc Lạc Hồng biểu diễn và nói chuyện về các làn điệu dân ca Bắc bộ, nhã nhạc cung đình Huế…, còn mới đây chương trình dành cho cải lương miền Nam. Ông Bảo Trần (80 tuổi, sống gần 40 năm tại khu Little Saigon, California) tâm sự: “Khi có chương trình nhạc dân tộc, cả ông bà, cha mẹ, cháu chắt dẫn nhau đi xem. Ở đây chúng tôi hiếm khi được xem các chương trình này, nên quý lắm”. Và họ say sưa thưởng thức Làng tôi qua tiếng đàn bầu, tỳ bà, nguyệt, nhị, sáo… rồi tân cổ giao duyên Điệu buồn phương Nam cùng trích đoạn cải lương Trọng Thủy Mỵ Châu, Quan Âm Thị Kính...
Người viết có dịp trò chuyện với nghệ sĩ Hải Yến (con gái Nhà giáo ưu tú - nhạc sĩ Phạm Thúy Hoan) khi chị đang tập luyện cùng nhóm nhạc dân tộc Hương Xưa bản Lòng mẹ tại Houston (Texas, Mỹ). Nhóm có 11 thành viên, mỗi người chơi một nhạc cụ: đàn nhị, đàn tranh, t’rưng, sáo, trống... Hải Yến kể: “Nhóm đã thành lập được 10 năm. Đây là nhóm hiếm hoi chuyên biểu diễn nhạc cụ dân tộc Việt ở Houston. 4 thành viên của nhóm đã có dịp tham dự Đại hội Âm nhạc truyền thống thế giới từng diễn ra ở TP.Seattle (Mỹ). Chúng tôi tập cùng nhau 2 tuần 1 lần. Khi có chương trình biểu diễn thì tập mỗi tuần”.
“Đã có khá nhiều tổ chức được người Việt ở nước ngoài lập ra để giữ gìn văn hóa VN và âm nhạc. Một số nhóm có bề dày hoạt động khá lâu như Lạc Hồng, Hương Việt... (ở Mỹ), nhóm Phượng Ca (ở Pháp, Na Uy)... Việc học nhạc, tổ chức những đêm nhạc ở nước ngoài không hề dễ nhưng vì sự yêu mến và muốn truyền tải những cái hay, cái đẹp đến với kiều bào xa xứ, các nhóm nhạc này đã nỗ lực hết mình. Họ luôn có những hoạt động tích cực trong cộng đồng VN tại hải ngoại”, nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng (người được mời biểu diễn thường xuyên các show nhạc dân tộc trên khắp thế giới) chia sẻ.
Bên cạnh đó, tại Bỉ, Canada, Anh, Đức, Thụy Điển, Đài Loan… cũng có những nhóm nghệ sĩ tâm huyết với việc phổ biến nhạc quê hương trong cộng đồng qua hoạt động biểu diễn và truyền dạy. Cindy Mai Anh Trần (bầu show tại Canada) cho biết: “Bên cạnh những show nhạc trẻ, hài, kịch chúng tôi không quên các chương trình truyền thống, dân tộc. Các đêm trình diễn áo dài qua các thời kỳ với những làn điệu dân ca được người xem đặc biệt thích thú”.
Khó nhưng không bỏ
Nghệ sĩ Hải Yến của nhóm Hương Xưa nói ngay khi nhắc đến khó khăn: “Cái khó nhất đối với nhóm là mỗi người đều có cuộc sống riêng, công việc riêng, phải đi làm mỗi ngày nên muốn tập trung rất khó. Phần lớn là tự luyện tập; kinh phí tổ chức chương trình phải tự túc. Các nhạc cụ chủ yếu mang từ VN sang vì ở đây không có. Dù vậy mọi thành viên đều không nản chí”.
Ghé thăm căn nhà nhỏ của nghệ sĩ cải lương Phượng Liên tại TP.Westminster, California (Mỹ), người viết được bà cho biết bà mới trở về sau chuyến lưu diễn ở một tiểu bang khác. “Cải lương ở quê nhà mình còn lao đao huống hồ bên này. Trước đây tôi bay liên tục vì nhiều show nhưng giờ thì ít rồi vì tình hình cải lương khó khăn. Khán giả và doanh thu chương trình đều giảm đi nhiều so với ngày trước. Dù khó, song các bầu show không bỏ cải lương. Mỗi khi làm chương trình tạp kỹ họ luôn cố gắng lồng ghép các tiết mục cải lương vào, người xem thích lắm”, bà nói.
Ông bầu trẻ Dương Đình Trí là một trong những bầu show hay đưa nhạc dân tộc vào các chương trình tổ chức tại Mỹ, Canada, Đài Loan. Anh đang chuẩn bị nhiều show lưu diễn sang Canada và Mỹ vào đầu năm tới và nhấn mạnh các tiết mục cải lương. “Tôi biết các bạn trẻ nơi xứ người rất hiếm có dịp nghe cải lương, ca cổ, đờn ca tài tử... Nếu như chúng ta không tổ chức biểu diễn nhạc dân tộc, không bằng mọi cách đưa nhạc dân tộc đến với khán giả, thì thời gian dần trôi những tinh hoa âm nhạc ông cha ta để lại sẽ mai một”, anh tâm sự.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.